Thứ Hai, 2 tháng 1, 2017

Phim ngắn "Quả bóng đỏ" - dành cho trẻ thơ và những người lớn có tâm hồn trẻ thơ


Bộ phim ngắn đoạt giải Oscar năm 1956 ở hạng mục kịch bản hay nhất của đạo diễn Albert Lamorisse chỉ đơn thuần kể về một đứa trẻ dắt theo quả bóng đỏ, kết thân với nó, dẫn nó đi khắp mọi nơi. Có rất ít thoại, nhưng dường như tất cả tuổi thơ ta bao hàm trong hình ảnh đơn giản đó: một quả bóng bay màu đỏ.
Poster phim "Le Ballon Rogue" - "The Red Balloon"

"Quả bóng đỏ" (tên gốc tiếng Pháp: Le Ballon Rouge) kể về gì? Cốt truyện dường như thật đơn giản: một ngày nọ cậu bé Pascal (cũng là con trai của đạo diễn, tên thật là Pascal Lamorisse) phát hiện ra quả bóng đỏ bị mắc trên cột đèn, cậu "giải cứu" và dẫn nó đi khắp nơi, bất kể sự ngăn cấm của người lớn. Cậu không được mang bóng lên xe điện, cậu không được mang bóng vào lớp, cậu không được mang bóng vào nhà! Nhưng có hề chi đâu, vì một khi quả bóng đã thân với cậu bé, cậu chỉ cần chỉ tay một cái, là người bạn đỏ chót của cậu sẽ tự động cất lên cao, cao nữa, cao mãi, xa khỏi tầm với của lũ người xám xịt dưới kia (màu đỏ của quả bóng dường như tương phản mạnh mẽ với vẻ ảm đạm nơi đô thị), và quả bóng sẽ chờ đợi, như một người bạn thiết thân, cho đến khi cậu xong giờ học, để lại cùng dắt nhau qua những con phố trước khi trở về nhà.


Quả bóng đỏ của cậu bé Pascal trở thành niềm ghen tị với bọn trẻ trong khu phố. Bởi vì chúng không thể thấy, không thể nắm trong tay điều kì diệu như cậu. Nên chúng tìm cách phá bĩnh, chặn đường, bao vây Pascal bất cứ khi nào có thể nhằm "mưu đồ" chiếm đoạt quả bóng của cậu.

Không, dùng từ "chiếm đoạt" ở đây cũng chưa hẳn đúng. Chúng có thực sự muốn sở hữu quả bóng đỏ rẻ tiền của cậu đâu? Chúng chỉ ghen tị mà thôi. Một niềm ghen tị tưởng chừng trẻ con: ghen tị với hạnh phúc của người khác, nhưng này, người lớn lại chẳng thế sao? Mà thực chất tôi nhận ra người lớn lại còn hay ghen tị hơn trẻ con rất nhiều, và cái ghen tị ấy có khi tủn mủn, lắm lúc lại tinh vi. Nhưng ít khi nào họ để niềm ghen tị ấy bộc lộ ra ngoài: đó mới là điều ghê gớm.

Những đứa trẻ rượt theo quả bóng đỏ của Pascal
Vậy nên chúng muốn phá hoại, phá cho sạch niềm hạnh phúc mang tên quả bóng đỏ của cậu bé Pascal. Chúng phải khiến quả bóng tội nghiệp phải teo ngoẻo và xì hơi mới hả dạ. Như điều chúng làm cuối phim vậy.

Ta có thể bắt gặp niềm ghen tị trẻ con này, thậm chí gọi là tính "ác" rất trẻ con này, trong tác phẩm "Hoa vàng trên cỏ xanh" của Nguyễn Nhật Ánh. Trong đó, vì ghen tị với hạnh phúc của em trai mình, đã không ngần ngại đánh cho nó bị thương. Đó là cái ác rất bộc phát, rất trẻ con, mà dường như mỗi người chúng ta ai cũng có.

Phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh
Hoặc nhìn sang tác phẩm nổi tiếng "Chúa ruồi" của nhà văn đoạt giải Nobel William Golding, ta cũng thấy điều tương tự. Đó là câu chuyện về bầy trẻ con chơi đánh trận trong một sân khấu biệt lập - hòn đảo giữa đại dương - ở đó lần đầu tiên chúng làm quen với sự hiềm khích, ganh ghét và cái ác lẩn lút trong chính mình. Nhưng trận chiến của lũ trẻ, dẫu có người chết thật đi chăng nữa, cũng chỉ là chuyện trẻ con. Chiến trường lớn ở ngoài kia (Đệ nhị Thế chiến diễn ra trên đất liền), vẫn còn khốc liệt hơn rất nhiều.

Một cảnh trong bản chuyển thể tiểu thuyết "Chúa ruồi" của William Golding
Vậy cái gì giữ cho trẻ con tránh khỏi những toan tính nhỏ nhen, nỗi ghen tị và sự xâm lấn của các ác?

Đó là niềm tin vào phép màu.

Chính nhờ niềm tin vào phép màu, vào người bạn tưởng tượng - quả bóng đỏ, đã nhấc cậu bé Pascal lên cao, cao mãi, bay trong bầu trời của tự do, trí tưởng tượng và của ấu thơ bất diệt. Cảnh cuối phim là một trong những cảnh êm đềm bậc nhất trong số những bộ phim mà tôi từng xem: khi tất cả bóng bay trên thành phố dường như tụ về và nhấc bổng cậu bé Pascal bay qua những toà nhà. Kết phim là một lời hứa hẹn, nó thủ thỉ với ta rằng, cuộc sống dường như sẽ chẳng quá nặng nề nếu ta giữ tâm thế như trẻ thơ.

Pascal được những quả bóng "nhấc" lên trời
Mà thực chất trẻ thơ là một cuộc quay về. Nietzsche đã nói: trở thành lạc đà, sư tử, rồi lại là trẻ thơ. Hay như trong một bài thơ của Tagore - “Bên bờ biển”, với câu thơ mở đầu là hình ảnh “Trẻ thơ gặp nhau trên bờ đại dương những thế giới mênh mông” hồn nhiên và không màng đến sự đời, thực chất cũng là một sự trở về, như tôi vẫn thường gọi chúng là "những đứa trẻ bên bờ khởi thuỷ" vậy.

Cậu bé Pascal không phải là người duy nhất “dắt theo” quả bóng kì diệu
Ngay cả thế cũng chưa phải điều mấu chốt. Mấu chốt ở đây là nhẹ. Bộ phim bảo ta hãy nhẹ lên, nhẹ nữa, nhẹ mãi, không phải để chắp cánh bay mất hút đến chân trời tưởng tượng, mà là để thỉnh thoảng biết cách nhấc chân khỏi những gánh nặng nơi trần thế, mà nhìn cuộc đời từ một khoảng cách rất xa vậy.

Lẽ dĩ nhiên, tất cả nhà văn từng viết truyện trẻ em, như J.M.Barrie hay Antoine de Saint-Exupéry đều hiểu điều này. Những chuyến bay của Peter Pan hay của Hoàng tử bé đều có ý nghĩa tương tự. Mấu chốt, câu thần chú, là "hãy nhẹ cho đến khi bay được".
Hình minh họa trong “Hoàng tử bé”, trông cũng na ná cảnh cuối phim “Quả bóng đỏ” nhỉ?

Sau khi xem xong, nhiều người có thể thắc mắc quả bóng đỏ rốt cuộc tượng trưng cho điều gì? Nhưng đó là chuyện của người lớn. Các công việc định nghĩa, phân loại, phân tích...là của người lớn. Còn không thì hãy cứ xem phim với một cái đầu rỗng, và xem xong với một nụ cười ngơ ngẩn cùng một cái đầu...rỗng không nữa thì càng tốt!

Cuối cùng, xin mạn phép kết lại bài viết này bằng một bài thơ của thi sĩ Tagore mà tôi đã đề cập ở trên, mà nhiều bạn đọc hẳn không xa lạ:

"Trẻ thơ gặp nhau trên bờ đại dương những thế giới mênh mông. Trên bầu trời bao la bất động và bên cạnh mặt nước lao xao không ngừng. Trẻ thơ gặp nhau ca hát, nhẩy múa trên bờ đại dương những thế giới mênh mông.
Trẻ thơ xây nhà bằng cát và chơi đùa với vỏ sò rỗng không. Lấy lá úa kết lại thành thuyền, rồi hớn hở thả trên mặt nước bao la. Trẻ thơ chơi đùa trên bờ đại dương những thế giới mênh mông.
Trẻ thơ không biết bơi, không biết quăng chài ném lưới. Ngư phủ lặn mò ngọc trai, thương nhân dong buồm buôn bán trong khi trẻ thơ lượm nhặt sỏi đá rồi lại quăng đi. Trẻ thơ không tìm kho tàng chôn giấu, không biết quăng chài ném lưới ra sao.
Biển cuồn cuộn reo vang, bãi cát mỉm cười nhợt nhạt. Sóng triều đầy chết chóc hát những bài tình dao vô nghĩa cho trẻ thơ nghe giống như mẹ ru con ngủ trong nôi. Biển cả chơi đùa với trẻ thơ, bãi cát mỉm cười nhợt nhạt.
Trẻ thơ gặp nhau trên bờ đại dương những thế giới mênh mông. Phong ba lang thang trên trời không lối đi, thuyền chìm đắm trên mặt nước mênh mông, chết chóc tràn dâng, trẻ thơ vẫn vui chơi đùa nghịch. Cuộc gặp gỡ lớn lao của trẻ thơ diễn ra trên bờ đại dương những thế giới mênh mông."

(bản dịch của Đỗ Khánh Hoan)

Thỏ mặt trăng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét