Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

Nhìn lại sự nghiệp điện ảnh của vị đạo diễn "quái kiệt" Hollywood Quentin Tarantino

Ở tuổi 53, Quentin Tarantino đã “rửa tay gác kiếm” với tác phẩm để đời cuối cùng của mình – The Hateful Eight (2015). Không phải ngẫu nhiên mà người ta lại mến mộ dành cho ông biệt danh là “quái kiệt”, cũng không phải ngẫu nhiên mà người ta sáng tạo ra một từ để gọi tên dòng phim mang đậm dấu ấn của ông - “tarantinoesque”. Bởi nếu nhìn lại sự nghiệp điện ảnh trong vòng mười mấy năm của ông, người ta nhận thấy sự đóng góp của ông vào điện ảnh thế giới là rất lớn.

Đạo diễn Quentin Tarantino

Phim của Tarantino chủ yếu là phim hạng B, thể loại phim noir. Hầu hết chủ đề các phim của ông thường là về sự báo thù, nạn phân biệt chủng tộc, cao bồi,…Nhưng dĩ nhiên, những phim của ông rất khác so với các phim khác, mà điểm cốt lõi là nằm ở kịch bản do chính tay ông viết, kiêm luôn đạo diễn. Những kịch bản mà Quentin tự mình nghĩ ra, viết nên được nhìn qua con mắt của một nhà làm phim “không bình thường”. Tức là hết sức quái dị, không “đụng hàng”, cốt truyện phi tuyến tính. Các nhân vật của ông vừa là người bình thường, vừa là bất thường trong những trường hợp hết sức điển hình. Nhưng đó vẫn chưa góp phần hoàn toàn trong việc tạo nên chất riêng trong phim ông, mà một ưu điểm vượt trội là Quentin đã vận dụng âm nhạc một cách vô cùng điêu luyện vào phim mình. Đó cũng là lí do vì sao người ta cũng gọi ông là “ông hoàng nhạc jazz” của Hollywood. 

Từ bộ phim đầu tiên là Reservoir Dogs (1992), Quentin đã tạo được tiếng vang cho riêng mình trên trường điện ảnh quốc tế bởi một cốt truyện mới lạ, độc đáo, phi tuyến tính, bạo lực. Nhưng thật sự mà nói, cái “chất” của vị đạo diễn này thể hiện rõ nhất vào mùa thu năm 1994, khi ông cho ra mắt tuyệt phẩm để đời mang tên Pulp Fiction. Đây được xem là một cách tân táo bạo mang tính chất cách mạng trong dòng chảy điện ảnh thế giới, thách thức lại hệ tư tưởng cũng như những khuynh hướng thẩm mĩ, đạo đức, quan niệm trước đó của các nhà phê bình và khán giả. Pulp Fiction kể những mảng truyện không đâu, đầy bạo lực, khổ dâm, nghiện ngập, điên cuồng, nhưng cũng rất lãng mạn. Để rồi sự “kết dính” của các mảng truyện là do khán giả tự kết lại thông qua năng lực xem phim của mình. Và cuối cùng là phát hiện ra một kịch bản hết sức hay ho, trơn tru nhưng không kém phần gai góc, “bá đạo”, không giống ai. Có thể ví Pulp Fiction như một củ hành còn việc xem phim chính là việc bóc từng lớp vỏ hành ra. Dù cay đến chảy nước mắt nhưng rất sướng vì khi bóc trần trụi củ hành ra rồi, người ta phát hiện ra một điều là tính châm biếm vô cùng sâu cay của nó. Pulp Fiction yêu cầu người xem phải xem đi xem lại nhiều lần mới hiểu được những tầng sâu ý nghĩa được ẩn sau màn ảnh. Đồng thời, Pulp Fiction yêu cầu người ta phải kiên nhẫn xem để rồi cuối cùng cay cú nhận ra rằng mình cũng nằm trong đối tượng mà Quentin muốn châm biếm… Nhưng không ai có thể trách Quentin, vì ông đã cho người ta xem mãn nhãn, cười đến mức xéo quai hàm, kể cho người ta một câu chuyện hết sức nhân văn, hết sức nghệ thuật…

Poster phim Pulp Fiction (1994)
Cho đến bây giờ, “Pulp Fiction” (1994) [Được biết với tựa tiếng Việt là “Chuyện Tào Lao”, “Báo Lá Cải”,…] mãi cho đến nay vẫn là niềm tự hào, là ánh sáng chói lọi trong sự nghiệp làm phim của Quentin Tarantino. Chung cuộc, trong năm này, “Pulp Fiction” giảnh được 1 giải Oscar cho hạng mục Kịch bản gốc xuất sắc nhất, 1 giải Cành cọ vàng và 1 giải Quả cầu vàng; Các nhà phê bình đã xếp phim này vào hạng R vì nội dung phim quá tục tĩu, bạo lực, đen tối và có cả cảnh tình dục. Tuy nhiên, vượt lên tất cả, phim được đánh giá là một trong những phim hay nhất mọi thời đại, theo như khảo sát “Ten Top Ten” của Viện phim Mỹ thì “Pulp Fiction” đứng hạng thứ 7 trong những phim thể loại gangster hay nhất mọi thời, tạp chí Anh Total Film thì xếp phim đứng thứ 9 trong danh sách những phim hay nhất trong lịch sử điện ảnh theo như khảo sát hồi 2006,…

Sau Pulp Fiction, Quentin cho ra đời những tuyệt tác còn lại như Jackie Brown (1997), Kill Bill (Vol.1) (2003), Kill Bill (Vol. 2) (2004), Death Proof (2007) , Inglorious Basteur (2009), Django Unchained (2012), The Hateful Eight (2015). Đây đều là những cột mốc sáng chói trong sự nghiệp làm phim của ông, góp phần đánh bóng tên tuổi của ông trên trường điện ảnh thế giới. Cũng với kịch bản do ông viết ra và chỉ đạo diễn xuất, cũng với lối kể chuyện khoan thai, từng bước dẫn người xem đi sâu vào mê cung điện ảnh của mình, vẫn máu me như thế, người đẹp thì đẹp một cách rẻ tiền, khung hình thì không quá bắt mắt, không kĩ xảo tinh vi mà cũng không cần khung hình quá mĩ lệ. Nhưng Quentin đã làm nên cả một thế giới cho riêng mình qua từng phim, và tất cả các phim. 

Quentin rất khéo trong việc đi “lượm lặt” của người khác để rồi tạo nên cái mới cho mình, không cần tốn công sức nhiều, chỉ cần động não và sáng tạo lại, những bộ phim của Quentin là những “thương hiệu” không đụng hàng với bất kì một vị đạo diễn nào khác. Song, có nhiều nhà phê bình cho rằng phim của Quentin không có chất riêng, và sự thật như đã nói, Quentin đã đi “lượm lặt” của người khác để tạo nên những sản phẩm sáng tạo cho riêng mình. Nhưng rõ ràng, những tác phẩm mà Quentin đã hoàn thành bao giờ cũng là những tác phẩm không thể tìm thấy ở một hãng phim hay dưới tên tuổi của một vị đạo diễn nào khác. Vậy thì cuối cùng, ai là người sáng tạo và ai là kẻ đi lượm lặt thật sự? Quentin chính là một nhà làm phim sáng tạo, và có thể nói là rất khéo trong việc biến cái của người thành cái của mình. 

Một cảnh trong phim Kill Bill (Vol.1) [2003]
Nếu nói đến phim là một trong những đại diện tiêu biểu cho phong cách làm phim bạo lực, máu me, không giống ai từ kịch bản cho đến việc chỉ đạo diễn xuất của Quentin Tarantino thì những ai là fan cuồng của ông hay mới phong thanh nghe qua tên tuổi của vị “quái kiệt” này thì nên tìm đến phim Kill Bill, vốn có kịch bản cũng như thời lượng phim rất dài, chia thành 2 vol, phát hành trong 2 năm là 2003 và 2004 vì đây là phim mà có thể nói nó khắc họa hình tượng anh hùng, cụ thể ở đây là nữ trong một tình huống vô cùng quái gở, được sinh ra từ những tình tiết hết sức là “dây mơ rễ má” với nhau đầu vol 1, nhưng lại rất đời. Có thể thấy, Quentin dường như là vị đạo diễn rất thích kiếm Nhật. Ở cảnh cuối trong phim Pulp Fiction cho đến cả 2 phần phim Kill Bill đều thấy xuất hiện những cây kiếm Nhật, một trong những biểu tượng văn hóa của Nhật Bản, và một “vị” riêng trong phim của Quentin. Kill Bill chịu ảnh ảnh của khá nhiều phong cách, trong đó lớn nhất đó chính là bộ đồ màu vàng của Cô Dâu, vốn ta thường cảm thấy quen thuộc khi nghĩ đến Lý Tiểu Long, bên cạnh đó còn có võ thuật Trung Quốc, phim anime của Nhật Bản và chất cao bồi miền Tây nước Mỹ,…

Không như nhiều đạo diễn khác ở Hollywood, Quentin Tarantino luôn cho khán giả thấy những phim ông làm chưa từng có phim dở, và tất cả các phim, từ phim đầu tiên cho đến phim cuối cùng đều chín chắn và đậm tính nhân văn. Sau hành trình trả thù của Cô Dâu trong Kill Bill (Vol.1 và Vol.2), tưởng chừng như nội dung câu chuyện không nằm ngoài việc tìm kiếm và trả thù. Nhưng không, hành trình mà Cô Dâu tìm giết Bill, người tình cũ của mình đồng thời cũng là hành trình tìm lại bản thể, tìm lại cuộc sống của chính mình. Và điều đó đã được Quentin phát triển lên đến không ngừng trong kịch bản mà ông đã viết và làm đạo diễn với phim Django Unchained (2012). Lấy đề tài về cao bồi, nạn phân biệt chủng tộc, hơn 2 tiếng đồng hồ người xem dõi theo hành trình của chàng cao bồi da đen Django, một freeman (người tự do) giải phóng không chỉ cho mình mà còn cho người vợ đáng thương của mình, Broomhilda, vốn ngày trước phải chia lìa anh và bị bán đi, không rõ địa điểm…Vậy là từ những kịch bản mà Quentin cho nhân vật mình, thường chỉ một hoặc vài người, tự giải phóng và tìm lại bản thể của mình. Cho đến Django Unchained, nhân vật của Quentin không chỉ phải giải phóng cho mình mà còn giải phóng cho người khác, và dĩ nhiên, nhiệm vụ đó nặng nề hơn bao giờ hết đối với một con người. 

Poster phim Django Unchained (2015)
Có lẽ, Quentin là vị đạo diễn mà có thể nói ông luôn gặp vận đen khi mà mỗi năm trước hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất, cái tên của ông bao giờ cũng bị Viện Hàn lâm ngó lơ. Nhưng đổi lại, không ít thì nhiều, phim của ông lại được vinh danh. Trong năm 2012, với phim Django Unchained do ông viết kịch bản và đạo diễn, phim này đã thắng giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất (trao cho Christoph Waltz) và giải Kịch bản gốc xuất sắc nhất trao cho Quentin tại giải Oscar lần thứ 85. Đây cũng là một trong những ánh sáng chói lọi trong sự nghiệp làm phim của Quentin khi mà các diễn viên diễn rất xuất thần, phải kể đến Christoph Waltz và Leonardo DiCaprio mà mãi đến The Revenant, Leo mới được cầm tượng vàng cũng như phần âm nhạc đúng điệu cùng một câu chuyện xuất sắc được xây dựng hoàn toàn dựa trên đầu óc của một đạo diễn tài năng,…

Tác phẩm cuối cùng của Quentin cũng thể hiện được sự vững chãi trong phong cách làm phim của ông, “The Hateful Eight” (2015) [tựa tiếng Việt: “Tám hận thù”]. Vẫn với cách kể chuyện chậm rãi, có phần dài hơi nếu không muốn nói là lê thê (vì thời lượng của phim là hơn 3 tiếng), song phần diễn xuất xuất sắc của Jennifer Jason Leigh đã được vinh danh ở hạng mục Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất nhưng không thắng trong lễ trao giải Oscar lần thứ 88. Tuy nhiên, phần original score vô cùng xuất sắc đã lần đầu tiên vinh danh Ennio Morricone, một “người hùng” phía sau phim The Hateful Eight
Ennio Morricone tại lễ trao giải Oscar lần thứ 88
Với sự hợp tác của Ennio Morricone, lần đầu tiên phim của Quentin Tarantino được đề cử và thắng ở hạng mục này. Không như nhiều phim trước đó của Quentin phải chọn và thâu lọc lại từ những bản nhạc kinh điển đã cũ. Và cũng với The Hateful Eight, lần đầu tiên cái tên của nhà soạn nhạc cho phim người Ý vĩ đại này được vinh danh.

Có thể thấy, nếu vắng bóng Quentin Tarantino trên trường điện ảnh thế giới, thì “bản lai diện mục” của Hollywood giờ đây sẽ như thế nào? Xin thưa rằng nó sẽ không như vậy, vì cái “bản lai diện mục” kia sẽ thiếu đi một chỗ trống, một phần nào đó, có thể nói là không nhỏ trong việc góp phần làm nên cái “chất riêng” của kinh đô điện ảnh Hollywood. 

Nằm trong top 12 vị đạo diễn vĩ đại nhất mọi thời đại, và không học qua bất cứ một trường lớp nào về điện ảnh, Quentin Tarantino đã “chập chững” vào nghề như một tên vô danh tiểu tốt để rồi khép lại sự nghiệp của mình trong tư thế của một ông hoàng bất khả chiến bại của bộ môn nghệ thuật thứ 7 này.



Thế Sang

0 nhận xét:

Đăng nhận xét