Thứ Tư, 25 tháng 1, 2017

Arrival (2016)

Đạo diễn: Denis Villeneuve
Kịch bản: Eric Heisserer
Diễn viên chính:
Amy Adams trong vai TS. Louise Banks
Jeremy Renner trong vai Ian Donnelly

Tác giả: Brian Tallerico


Người dịch: Nguyên Thảo


Đã có nhiều bài viết về sự nổi lên của những câu chuyện riêng tư kể bằng thể loại kinh dị - như trong các phim như "It Follows", "The Witch" và "The Babadook", nhưng trào lưu kể chuyện theo kiểu tương tự trong các phim khoa học viễn tưởng cũng thú vị không kém. Trong vài năm gần đây, phim khoa học viễn tưởng không chỉ khám phá năng lực du hành vũ trụ hay tương lai hậu khải huyền, mà còn như một cách giải quyết những vấn đề phổ quát của nhân loại, hơn là những câu chuyện phiêu lưu kiểu vị lai. Cùng với các phim như "Gravity", "Interstellar" hay "The Martian" là "Arrival" - bộ phim cảm động đầy tham vọng của đạo diễn Denis Villeneuve. "Arrival" kể về ngày vũ trụ thay đổi vĩnh viễn, nhưng vẫn tập trung vào một câu chuyện riêng rẽ - thậm chí khi phim mở rộng ra tầm thế giới. Bộ phim tập trung vào nỗi buồn, thời gian, sự giao tiếp và lòng trắc ẩn hơn là vào nhịp phim cực nhanh, và đó là một bộ phim đặt ra những câu hỏi. Bằng cách nào chúng ta tiếp cận những điều khiến ta sợ hãi? Tại sao giao tiếp bằng ngôn ngữ - chứ không phải bằng hành động - lại quan trọng đến thế? Cảnh cuối của "Arrival" chạm đến những ý tưởng lớn về cuộc đời mà tôi không tiết lộ ở đây, nhưng có lẽ khán giả nên hiểu rằng phim của Villeneuve không phải dạng phim làm hài lòng số đông kiểu "The Martin" - bộ phim của Ridley Scott đoạt giải thưởng lớn LHP Toronto năm ngoái. “Arrival” là dạng phim ra đời để vừa thách thức khán giả, vừa gây xúc động và buộc khán giả phải nói về nó. Trong phần lớn thời lượng, bộ phim đã thành công.

Amy Adams đã có màn hóa thân tự tin và ấn tượng trong vai Louise, một chuyên gia ngôn ngữ học được mời đến vào ngày 12 UFO xâm nhập quỹ đạo Trái Đất. Ngược với những thông tin được tiết lộ với công chúng - thoạt tiên là không nhiều thông tin về bất cứ điều gì - các nhà cầm quyền trên thế giới đã tiến hành tiếp xúc với các sinh vật bên trong, những sinh vật trông hơi giống con bạch tuộc bị một năng lượng bậc cao nén lại bằng cánh tay khổng lồ. Làm việc với quân đội và một nhà khoa học tên Ian (Jeremy Renner đóng), Louise tìm kiếm câu trả lời cho một câu hỏi cực kỳ đơn giản: Bạn muốn gì? Những kẻ Heptapods - như chúng cuối cùng được gọi - “nói” bằng thứ âm thanh thỉnh thoảng vang dội như tiếng cá voi, nhưng Louise nhanh chóng hiểu rằng chữ viết chính là cách để giao tiếp, dù cô phải giải mã thứ chữ phức tạp mà các vị khách ngoài hành tinh “viết”. Khi cô càng lúc càng tiến tới gần việc có thể trả lời câu hỏi sống còn theo cách mà cô hiểu nó, sự lo lắng của thế giới càng tiếp diễn. Liệu bản năng tự vệ của con người có thể thức dậy trước khi các nhà khoa học và các vị lãnh đạo có thể tìm cách để chống lại?

Lousie cũng có góc tối trong đời. Những cảnh mở màn kể chi tiết về sự ra đời, cuộc đời ngắn ngủi và cái chết của một đứa trẻ. Qua đó, Adams khắc họa một Louise với mạch ngầm cảm xúc ấn tượng và giản dị - điều hết sức cần thiết cho thành công của phim. “Arrival” là một phim đôi chỗ có thể khô khan, nhưng có Adam để "chống đỡ" cả bộ phim. Hình ảnh trong phim của Villeneuve không đặc biệt nặng về kỹ xảo CGI – nên cho phép Adams làm việc theo cách có thể thuật lại được. Có quá nhiều ý nghĩ xuất hiện trong lòng và trong tâm trí nhân vật, đặc biệt là trong những cảnh thắt nút cuối phim, với nó Adams có thể đã thất bại, nhưng thực chất đây một trong những phim khoa học viễn tưởng tinh tế và hướng nội nhất mà tôi từng đuợc xem. Một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho thành công của "Arrival" là khán giả sẽ nhớ gương mặt Adams - chứ không phải thiết kế con tàu vũ trụ hay các sinh vật ngoài hành tinh ấn tượng.
Trong các tác phẩm gần đây, Villeneuve hiểu tầm quan trọng của việc xây dựng một ê kíp tài năng. Với “Arrival”, hai trong số những yếu nhân không thể phủ nhận của bộ phim là nhà quay phim Bradford Young, thiên tài đã quay "Selma" và "A Most Violent Year" và nhà soạn nhạc Jóhannsson. Jóhannsson cũng là nhân vật quan trọng trong nhịp điệu đầy cảm xúc của bộ phim, tạo không khí căng thẳng ở nửa đầu phim và dòng sóng ngầm cảm động ở cảnh cuối cùng. Young có cách tiếp cận trực quan và đẹp đẽ, sử dụng thế giới tự nhiên để dựng nên câu chuyện phi tự nhiên chân thật này. Có lẽ không cần nhắc tới vai trò người kể chuyện của Louise, nhưng chúng ta phải đánh giá cao hình ảnh đứa trẻ chạy ngang qua cánh đồng. Hình tượng đứa trẻ rất đáng yêu, không như kỹ thuật quay phim bom tấn thô ráp thường thấy trong phim khoa học viễn tưởng. Quan trọng hơn, ở “Arrival”, kỹ thuật quay mang lại cảm giác mọi yếu tố đều từ một điểm nhìn - kỹ thuật điện ảnh, hướng nhìn, diễn xuất, nhạc phim... thay vì “bom tấn trong xưởng” như chúng ta thấy gần đây.

Tuy nhiên, "Arrival" hơi chùng xuống ở đoạn giữa - điều này có thể khiến phim mất một số khán giả. Cảnh "tiếp cận đầu tiên" đầy tự tin và những cảnh đầy mục đích có liên hệ với chủ đề cuối cùng của bộ phim tham vọng một cách ấn tượng, nhưng nhịp phim "Arrival" khá loãng ở phần giữa, khiến khán giả chú ý đến sự khô khan của phim trên tổng thể. Áp lực không tiết lộ điều gì để duy trì giá trị bất ngờ của nút thắt ở cảnh cuối cùng quy định quyết định của người kể chuyện trong phần giữa – chính phần này giữ khán giả ở vị trí người quan sát hành động của bộ phim, trong khi chúng ta sẵn sàng thành kẻ tham gia. Villeneuve là một đạo diễn tài năng, nhưng bộ phim này thiếu một “độ nóng” để có thể khiến phim vượt trội về mặt triết lý và chạm tới cảm xúc trong cảnh cuối cùng. Vì vậy, khán giản thường cảm thấy mình đứng sau thứ rào chắn mà Louise dùng khi giao tiếp với những sinh vật ngoài hành tinh được cô gán cho cái tên Abbott và Costello. Như cô muốn tháo bỏ đi rào chắn, chúng ta cũng muốn “tháo bỏ” những giới hạn và bước vào sau lớp mặt nạ.



Như đã nói, “Arrival” là một làm phim tài năng và tham vọng đáng xem. Phim buộc khán giả phải suy nghĩ lại rằng điều gì khiến chúng ta thật sự là người, cũng như tầm ảnh hưởng của nỗi đau trong sự tồn tại của con người. Ở phần hay nhất của phim, và hầu như trong toàn bộ diễn xuất của Adams, bộ phim khiến ta hiểu rằng con người đều có những ngày thất bại trong giao tiếp vào bị bao trùm bởi nỗi sợ hãi không tên. Và điều đẹp nhất của chúng ta là trở thành những kẻ kiên nhẫn, đứng dậy khi bị quật ngã và hàn gắn những gì bị phá vỡ.

Thứ Hai, 23 tháng 1, 2017

Your name – Hành trình kiếm tìm “Cậu là ai”

Your name -Kimi no Na wa bộ phim hoạt hình đã tạo nên cơn “dư chấn điện ảnh” năm 2016 tại Nhật với doanh thu khủng 3.8 tỷ Yên (61.2 triệu USD) chỉ sau 10 ngày công chiếu. Phim là một tác phẩm nghệ thuật thật sự lưu luyến và hơn hết còn là sự khẳng định vị trí của hoạt hình Nhật Bản nơi người xem.

Your name bộ phim chiếm lĩnh kỉ lục doanh thu phòng vé ở Nhật năm 2016 và hứa hẹn gây bão tại nhiều nước


Your name chỉ đơn giản “cậu là ai?”


Phim kể về câu chuyện xảy ra giữa 2 nhân vật Taki và Mitsuha sau một giấc mộng tình cờ hoán đổi thân xác với nhau. Mitsuha lớn lên tại thị trấn Itomori- nơi bình dị đến mức không có cả một quán cà phê, cô ước mong mình lớn thật nhanh và có thể đến Tokyo để tìm thấy một nửa còn lại của mình. Taki một nam sinh trung học có cuộc sống tẻ nhạt nơi thủ đô Tokyo, bỗng chốc bị xáo trộn cuộc sống khi vô tình thân xác bị hoán đổi.


Mitsuha và Taki hoảng hốt khi phát hiện ra giấc mơ hoán đổi thân thể trở thành hiện thực
Hoán đổi thân xác là đề tài từng xuất hiện trong khá nhiều bộ phim như Secret garden, một số bộ phim Trung, Hàn khác. Tuy nhiên với Your name đó là một sự hoán đổi mang chất huyền ảo, cốt truyện đầy sáng tạo kết hợp với nhiều yếu tố văn hóa, tâm linh rất Nhật Bản tạo nên chất riêng cho phim.

Trong cuộc sống, có bao giờ bạn rơi vào bế tắc, nhàm chán muốn thoát khỏi hiện tại nhưng không biết làm gì. Với Your name thì hạnh phúc trong cuộc sống chỉ đơn giản khi biết được “cậu là ai?”. Cuộc đời là một hành trình vận động không điểm dừng, chúng ta vẫn cứ mãi kiếm tìm một hình bóng không xác định. Nhân vật Taki trong phim đã không để sự vận động ấy dừng lại mà đã hành động bằng cách đi tìm hình bóng ấy, mọi manh mối chỉ là bức tranh phong cảnh tự họa về ngôi làng nơi Mitsuha từng sống. Đó là sự bức phá giúp con người thoát khỏi những bế tắc. 

Bạn có tin rằng mọi thứ trên thế gian này đều có sợi dây kết nối vô hình?

“ Kết nối những sợi chỉ lại với nhau cũng là musubi
Người với người liên kết với nhau cũng là musubi”

Vâng đó chính là Musubi- thời gian giúp con người gặp nhau cùng thời điểm, lệch không gian và thời gian 2 nhân vật Mitsuha và Taki đã không gặp nhau. Và rồi thời gian như cơn mộng cuốn trôi kết mọi kí ức để họ chẳng còn nhớ nổi tên đối phương là gì.

Hoàng hôn biểu tượng của thời gian trong Your name

Nếu như hoàng hôn là biểu trưng của sự chuyển giao thời khắc của đất trời thì trong phim đây cũng là thời gian hoán đổi của 2 nhân vật. Hoàng hôn chợt tắt Mitsuha biến mất khi chưa kịp viết tên mình lên tay Taki, để rồi khi trở về thực tại cô chỉ nhận được dòng chữ “Tôi thích em” và rồi họ vẫn không biết tên của nhau.

Hoàng hôn thời khắc hoán đổi, 2 nhân vật lần đầu tiên đối mặt trực tiếp với nhau
Sao chổi tách đôi cũng là thời khắc ghi lại dấu ấn trong tâm trí của 2 nhân vật và kể cả những người dân của đất nước luôn đứng trước những nguy cơ thiên tai. Nếu như một vùng trời Tokyo bừng sáng mưa sao băng tuyệt đẹp thì tại thị trấn Itomori đó lại là ánh sáng của sự hủy diệt. Hình ảnh này gợi nhắc đến những thiên tai, động đất luôn ám ảnh tâm trí của người dân Nhật. Và như dự báo rằng thiên nhiên luôn mang đến sự tươi đẹp cho con người nhưng cũng chính những “cơn giận của tự nhiên” đã vô tình hủy diệt đi nhiều thứ. Nó nhắc nhở người Nhật phải luôn tôn trọng thời gian từng phút từng giây, để những buổi hoàng hôn đều thật có ý nghĩa.

Tình cảm trong sáng trong Your name, từ nhẹ nhàng hóm hỉnh đến mạnh mẽ da diết

Những xáo trộn nhất thời trong tâm sinh lí tuổi dậy thì đã được thể hiện rất tự nhiên trong phim. Đó không chỉ là câu chuyện ngôn tình học đường mà là những cung bậc cảm xúc, những rung cảm của tuổi mới lớn được kết hợp cùng những biểu tượng văn hóa tâm linh của người Nhật. Tình yêu của họ những tưởng được lưu lại trong nhật kí ghi trên điện thoại, nhưng hóa ra cuối cùng đó là sự gắn kết từ “sợi dây bện”.


“Dây bện của thần linh là đại diện cho thời gian trôi đi
Chúng tụ họp lại và tạo nên hình thái
Chúng xoắn vào nhau và liên kết lại
Đôi khi chúng bị nới lỏng để rồi lại thắt chặt với nhau hơn”.

Như tình yêu có lúc hợp có lúc tan, những tưởng sự cố sao chổi tách đôi rơi vào thị trấn Itomori đã chia tách 2 nhân vật mãi mãi. Nhưng cũng chính sợi dây bện đã trở thành dấu hiệu nhận biết để họ nhận ra nhau và dũng cảm thốt lên “Tên cậu là gì?”.

Bên cạnh nội dung nhẹ nhàng, sâu lắng tuy là phim hoạt hình, nhưng những tạo hình nhân vật và bối cảnh phim đều được chăm chút rất tỉ mỉ. Nhiều địa danh ở Nhật được tái hiện rõ nét với khung cảnh đẹp như mơ. Những tình tiết kỹ xảo được xử lí sạch mang lại cảm giác dư âm nơi người xem. Âm nhạc trong phim được đầu tư kĩ lưỡng, những bài hát như lời tâm tình càng góp phần diễn giải nội dung bộ phim. Tuy nhiên có những đoạn lồng nhạc vào phân cảnh cao trào cảm xúc làm mất đi vẻ tự nhiên của phim, mặc dù đây là điểm không đáng kể.

Trailer phim:

https://www.youtube.com/watch?v=_mifHzxFNQ4

Tuy đã công chiếu tại nhiều nước lân cận và có vietsub trên mạng, nhưng kể từ lúc công chiếu từ ngày 13/01/2017 đến nay bộ phim vẫn thu hút một lượng lớn khán giả đến phòng vé. Your name dự đoán sẽ tiếp tục gây bão tại các rạp sau sức hút của La la land.

Ảnh chụp trailer phim
Quyền Cương




Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2017

JULIETA

Tựa phim: Julieta.
Phát hành: ngày 8 tháng 4, 2016.
Đạo diễn: Pedro Almodóvar.
Chấm điểm: 4,5/5.
Người viết: Godfrey Cheshire, nhà phê bình, nhà báo và đạo diễn người Mỹ.
Người dịch: Nguyễn Bích Hà


Orson Welles1 từng nói rằng để chuẩn bị cho phim “Công dân Kane”2, ông đã học hỏi từ những Bậc thầy đi trước: “John Ford3, John Ford và chỉ có John Ford.” Trong các tác phẩm của đạo diễn người Tây Ban Nha Pedro Almodóvar, một nhà cách tân nhưng đồng thời cũng là người đi theo chủ nghĩa kinh điển trong điện ảnh, ta có thể nhận thấy ảnh hưởng từ nhiều nhà làm phim kiệt xuất như Alfred Hitchcock hay Douglas Sirk. Thế nhưng ta không thể không công nhận dấu ấn của một bậc thầy khác trong sự nghiệp của ông, đó là chính bản thân Almodóvar.
“Julieta”, bộ phim thứ 20 của Almodóvar và theo tôi cũng là bộ phim hay nhất, sau tác phẩm “Volver” mười năm về trước, là một phim chắc tay, đảm bảo nó sẽ gợi cho bạn nhớ rằng điện ảnh Mỹ thời nay vẫn chưa có ai sánh bằng ông: một nghệ sĩ biết kiểm soát tác phẩm của mình, sử dụng phong cách phim phần lớn bắt nguồn từ những sản phẩm đình đám nhất của Hollywood kinh điển, và làm việc trong thế giới hư cấu của sự sáng tạo riêng.
Dĩ nhiên, Almodóvar không còn thời thượng như những khiêu khích hậu hiện đại trong “Matador”, “Women on the Verge of a Nervous Breakdown” hay “Tie Me Up! Tie Me Down!” Thế nhưng cái chất già dặn trong “Julieta” lại mang đến cảm giác trọn vẹn hơn, tinh túy hơn những phim kia; những ai không bị nhầm lẫn giữa cái vô lo vô nghĩ của tuổi trẻ với nghệ thuật đích thực đều có thể nhận ra điều đó. Chắc chắn, bất kỳ giáo viên dạy làm phim nào cũng cố gắng hướng dẫn một lớp những Orson Welles trẻ ngày nay bằng những mánh khoé của nghề phim nhưng ít có thể tìm thấy hình mẫu tốt hơn “Julieta.”
Cũng như hầu hết phim của Almodóvar, “Julieta” xoay quanh những người phụ nữ. Chuyện phim kể về nỗi đau của người mẹ bị chia cắt khỏi con mình mà không rõ nguyên cớ. Nhưng đây chỉ là mầm mống của một kịch tính dần dần phát triển phong phú hơn, ám ảnh hơn và phức tạp hơn như nhà làm phim đã trau chuốt cho nó.

Như thường lệ, phim mở ra với những hình ảnh đẹp nao lòng: những nếp vải dày màu đỏ quấn quít vào nhau như đôi tình nhân, rồi dần hiện ra là nếp váy của một phụ nữ đứng tuổi thuộc lớp trung lưu, Julieta (Emma Suárez). Cô đang quấn một bức điêu khắc nhỏ bằng tấm xốp khí. Nơi cô ở là một căn hộ trang nhã ở Madrid, và một người đàn ông tên Lorenzo (Darío Grandinetti thủ vai) ghé qua để bàn về kì nghỉ sắp tới đến Bồ Đào Nha. Nhưng chuyến đi chỉ mãi là dự định.
Đó là bởi vì cuộc sống tưởng chừng êm đềm hạnh phúc của Julieta đột nhiên chệch hướng sau cuộc gặp gỡ tình cờ với một cô gái ăn vận thời trang và nghe tin con gái mình hiện đang sống ở Lake Como và đã có ba con. Choáng váng khi biết chuyện (một tín hiệu cho thấy hai mẹ con đã rất lâu không gặp), Julieta rơi vào trầm cảm, những kí ức xưa chợt ùa về.
Ba mươi năm trước, Julieta (lúc này do Adriana Ugarte đóng) là một cô giáo dạy văn học cổ điển, quyến rũ và ưa mạo hiểm. Cô bắt một chuyến tàu đêm sẽ làm đời cô sang trang. Khó chịu vì bị một ông chú bắt chuyện mãi, cô chạy sang toa bar để rồi gặp chàng ngư dân điển trai tên Xoan (diễn viên Daniel Grao). Hai người họ ngủ với nhau đêm đó, nhưng vụ việc ông chú nọ tự tử đã gieo mặc cảm tội lỗi mà sau này sẽ phát triển thành những hình thức khác trong câu chuyện.
Câu chuyện kéo dài hằng năm trời và trải rộng qua nhiều bối cảnh. Julieta về ở cùng chàng Xoan trong ngôi nhà nhỏ xinh xắn cạnh bờ biển ở Galicia; nhưng cuộc sống cô không hề đơn giản với sự có mặt của bạn Xoan, nàng nghệ sĩ xinh đẹp do Inma Cuesta thể hiện, và bà quản gia giống như Bà Danvers4 (Rossy de Palma, diễn viên yêu thích của Almodóvar), bà này dường như phẫn nộ hạnh phúc của kẻ khác. Julieta và Xoan có với nhau một con gái, Antía. Tuổi thơ cô bé trôi qua hạnh phúc, nhưng một biến cố gia đình đã buộc họ chuyển đến Madrid khi Antía đang tuổi mới lớn. Kể từ đó quan hệ giữa hai mẹ con lao dốc không thể vãn hồi.
Một thời gian sau Antía bỏ nhà đi Pyreness để “sống ẩn dật”. Khi Julieta đến đón con, người ta bảo cô rằng em không muốn gặp cô nữa. Cô nhận ra rằng cuộc đời mình “thiếu một khía cạnh tâm linh”, và đã tìm ra thứ mình bỏ lỡ: niềm tin.

Tôi phải thú thực rằng không phải phim nào của Almodóvar cũng làm tôi hài lòng; thế nhưng một trong những niềm vui khi dõi theo sự nghiệp của ông đó là được chứng kiến ông lột xác, thay đổi không ngừng. Không có phim nào hoàn toàn giống phim nào. Về phần “Julieta”, Almodóvar đã nói trong buổi họp báo rằng: “Tôi đã đặt bản thân mình rất nhiều trong kết cấu hình ảnh, và trong sự mộc mạc, chân phương của các nhân vật phụ. Không có hát hò, cũng không lồng những cảnh phim khác để giới thiệu nhân vật. Phim không hề có yếu tố hài hay pha lẫn các thể loại khác, hoặc là tôi tin thế. Ngay từ đầu tôi đã xác định ‘Julieta’ là dòng phim chính kịch chứ không phải nhạc kịch, cho dù cá nhân tôi cũng yêu thích nhạc kịch. Nhưng ‘Julieta’ đích thị là một bộ phim chính kịch nghiêm túc pha lẫn chút bí ẩn: một ai đó đang tìm kiếm một ai đó mà không biết tại sao cô ta bỏ đi.”
Phát biểu trên đã cho ta một bức tranh cô đọng về sự khác biệt giữa “Julieta” và những tác phẩm cùng đạo diễn, nhưng “mộc mạc chân phương” không có nghĩa là tối giản theo kiểu Bresson5. Vẫn có chút hoa mỹ trong cách kể chuyện và phong cách thị giác, nhưng đó là sự hoa mỹ không loè loẹt và trơ trẽn. Phông nền đơn giản, nhã nhặn, được sắp đặt chính xác đến mức xứng tầm làm ví dụ trong các lớp học điện ảnh. Cùng với nhà quay phim Jean-Claud Larrieu và dựng phim José Salcedo, Almodóvar còn cộng tác với nhạc sĩ Alberto Iglesias, người đã sáng tác những bản nhạc phim mà theo tôi là hay nhất năm nay.
Hai nữ diễn viên thể hiện vai Julieta cũng xứng đáng được trao giải vì tài nghệ cá nhân tuyệt vời và vì cách mà Almodóvar hòa quyện hai kiểu diễn xuất lại với nhau. Thật lòng khi xem phim tôi cứ có cảm giác đó chỉ là một người được biến đổi bằng hóa trang và hiệu ứng, chứ không phải là hai diễn viên riêng rẽ. Sự chuyển tiếp mượt mà đó, bản thân nó đã là kì công rồi.
Kịch bản của Almodóvar dựa trên ba câu truyện của Alice Munro, nên có lúc ông đã dự tính quay tại quê hương Canada của bà, nhưng rốt cuộc quay về Tây Ban Nha, một quyết định xét cho cùng cũng hợp lí. Mặc dù có thể Almodóvar có cùng nguồn gốc Công giáo với Hitchcock và Bresson, nhưng sự liên quan của bộ phim với tội lỗi, những chuyển biến tâm lý, định mệnh, sự kì bí và niềm tin (chệch hướng hơn), kết nối phức tạp với văn hoá bản địa Tây Ban Nha cũng như những ý tưởng được thể hiện trong những tác phẩm trước đó của ông. Xây dựng trên tác phẩm trước đó đồng thời lại vạch ra một con đường mới là sự tự tin cố hữu của một bậc thầy xác tín.
Nguồn: www.rogerebert.com
Chú thích:
1, 2. Orson Welles là diễn viên, đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất phim người Mỹ từng được giải Oscar. “Công dân Kane” là bộ phim đầu tay của ông, được giới phê bình đánh giá là một trong những bộ phim xuất sắc nhất trong lịch sử điện ảnh.
3. John Ford: đạo diễn đặc biệt nổi bật trong thể loại phim miền Tây, có ảnh hưởng to lớn đến thế hệ làm phim sau này.
4. Bà Danvers: nhân vật phản diện trong tiểu thuyết Rebecca, tính tình nghiêm nghị lạnh lùng, không bao giờ cười.


5. Bresson: đạo diễn người Pháp, nổi tiếng với phong cách làm phim tối giản, kiệm lời, ít dùng nhạc phim.

Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2017

Chỉ là...Thiên Thiên

Có một hôm, tôi đi xem kịch ở sân khấu Phú Nhuận và gặp Việt Linh đi cùng Minh Trang. Có lẽ hai bà chị không để ý có một khán giả ra về cứ lặng lẽ quan sát nét mặt của họ. Vài hôm sau, trên một tờ báo, Minh Trang bày tỏ sự day dứt vì sân khấu kịch: “… sau 30 năm, so với những Hà Mi, Phồn Y… thuở ấy, chẳng những không tiến mà còn bị lùi.” (Nghệ sĩ Minh Trang: “Người hạnh phúc là người biết mình ở đâu”, báo Phụ nữ TP). Tôi chỉ thấy hai bà chị này đáng trách, ai bảo thấy vở kịch có cái tựa Cúc cù cúc cu và một cái tên phụ là Xin anh hãy ngủ với vợ em mà vẫn đi xem! À, tôi cũng thấy, nhưng tôi không phải người ăn cơm nghệ thuật, lại thêm máu ghiền kịch thành ra hay rơi vào trạng thái xem đỡ vã. Còn hai bà chị lâu lâu mới về nước thì phải cân nhắc chớ. Nhưng không hiểu sao trong tôi lúc ấy lại nảy ra một sự chờ đợi, chờ đợi Việt Linh và Minh Trang sẽ làm điều gì đó cho sân khấu kịch.
Và kết quả của sự chờ đợi của tôi là đây: Thiên Thiên – vở kịch được ra mắt khán giả Sài Gòn đúng vào dịp lễ Tình Nhân. Và đêm qua, 16/2/14, tôi thật sự tiếc nuối khi biết vở không diễn nữa. Thiên Thiên chỉ là cuộc dạo chơi của Việt Linh và ê-kíp của chị. Với tôi, vở kịch là cuộc lãng du biết dừng ngay đúng cao trào của xúc cảm người xem.



Vở kịch Thiên Thiên (ảnh: Internet)






Ấn tượng đầu tiên về Thiên Thiên là… vé. Tôi chưa bao giờ đi xem kịch mà được cầm trên tay chiếc vé đẹp và chu đáo đến vậy. Lối vào cửa Nhà hát Thành Phố dành một góc xinh xẻo để bày sách Chuyện mình chuyện người của Việt Linh và những chú cánh cam làm bằng men đỏ hiếm quý với thông điệp “Thiên sứ tốt lành”. Tiền thu được từ việc bán sách và cánh cam sẽ đóng góp cho Quỹ phẫu thuật hàm ếch cho trẻ em. Tôi nhận thấy khán giả rất hài lòng về cách bày biện và ý nghĩa của góc trưng bày. Có người mua rất nhiều để cho mình và bạn bè (riêng tôi cũng tậu cho mình một chú cánh cam).
Trên vé của Thiên Thiên đề “Không kể một câu chuyện mà để lại một cảm xúc”. Tôi không cho là như vậy.
Bởi, trước hết, Thiên Thiên có câu chuyện, hay nói cách khác, Thiên Thiên là một kiểu “chuyện trong chuyện”. Bản thân kịch bản Thiên Thiên cũng được gom nhặt từ hai truyện ngắn Hạnh phúc là cùng  Xoa. Thêm nữa, Thiên Thiên để lại nhiều cảm xúc chứ không phải là một. Tùy vào lứa tuổi, hoàn cảnh, mỗi người sẽ có một chiêm nghiệm khác nhau.
Thiên Thiên vốn là người đàn bà tên Hậu. Đầu vở, chị cho ta cảm giác về một người đàn bà sinh ra để được cưng chiều khi say mê và mong manh lướt đôi tay trên dương cầm. Nhưng chỉ vài phút sau, cuộc đời Hậu rơi vào bi kịch lớn khiến chị chỉ còn khả năng lắng nghe chứ không muốn phán xét, truy nguyên ngọn nguồn câu chuyện được nghe. Mà thật ra, khán giả chỉ biết chị tên Hậu ở những phút cuối của vở. Ở đầu vở, sau nỗi đau quá lớn, chị được người đời tin cậy lẫn đàm tiếu với cái tên Thiên Thiên. Thiên Thiên thừa khả năng nghe, chỉn chu trong từng câu mẫu đối thoại, chừng mực hoặc quyết liệt với những trơ trẽn của phù phiếm hay phản bội, hào phóng đến run rẩy trong những cái ôm dành cho từng nạn nhân – tri âm. Thiên Thiên cười, khóc với những người đến nhà chị một cách chân thành, tự nhiên và… không tính phí. Có lẽ vì chị khác với thời buổi này nên người ta gọi chị là Thiên Thiên – một kiểu người “ở trển”. Người ta thắc mắc, thêu dệt về chị, khâm phục hay bực dọc vì sự hiểu biết “tinh như ma”, như đi guốc trong bụng người của chị. Nhưng rồi vẫn cần chị.
Phía sau nhà của Thiên Thiên có một con sông. Nhưng chị không tự tử mà từng từ nơi đó muốn được bay lên. Trong bộ phim Endless love, nhân vật người cha của Jade Butterfield có nói “Sau nỗi đau mất một đứa con thì không nỗi đau nào là không vượt qua được”. Nếu xem điều này là một chân lý thì nỗi đau của Thiên Thiên nhẹ nhàng hơn nhưng cũng đủ quật ngã bất kì một người nào: bị người đầu ấp tay gối phản bội bằng một thủ đoạn nhem nhuốc và đáng tởm. Người đàn bà tên Hậu đã từng đập đầu tự tử ngay phút giây hiểu ra thủ đoạn của chồng. Nhưng khi trở thành Thiên Thiên, chị lại tỉnh táo và bình tâm lắng nghe nỗi đau của người khác. Không phải để đong đo xem nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau nào hay so sánh nỗi đau người với nỗi đau mình. Mà đơn giản, nỗi đau có khả năng chữa trị nỗi đau. Xét về phương diện này thì Thiên Thiên đâu miễn phí cho ai. Chị vừa là bác sĩ vừa là bệnh nhân cần được chữa trị. Hình ảnh các nhân vật mặc áo blouse trắng ra chào khán giả ở cuối vở đã khẳng định điều này.

Một cảnh trong Thiên Thiên (ảnh: Internet)




Một số bài báo cho rằng Thiên Thiên là điểm khởi đầu cho kịch đương đại. Tôi cũng không cho là như vậy.
Kiểu của Thiên Thiên là kiểu của Ngôi nhà trái tim tan vỡ, Những chiếc ghế… mà Bernard Shaw, Ionesco đã phát triển từ những năm 20, 50 của thế kỉ trước. Những câu chuyện không đầu không đũa nối nhau không dứt. Các tuyến nhân vật không có sự kết nối chặt, tựa hồ những cuộc đi hoang. Không đổi cảnh. Mộc trong phục sức và âm nhạc. Câu chuyện và cách dàn dựng của Thiên Thiên không phải là một cuộc bứt phá nếu so với guồng kịch đương đại thế giới, thậm chí có phần hơi rụt rè và truyền thống. Còn nếu tính ở Việt Nam, những vở như Người đàn bà thất lạc, Tuyết đỏ, Kangaroo đến Việt Nam, Những con ma trong nhà hát… xứng đáng đóng mộc cho điểm khởi đầu của kịch đương đại hơn.
Thiên Thiên chỉ đương đại ở những câu chuyện của con người đương đại: con trẻ thèm khát tình thương, con buôn khát tiền, trí thức á khẩu, tai to mặt lớn rách bươm, ô-sin khổ nhục vì cục sĩ của chủ, vợ chồng như hai khách trọ cùng nhà, người bất chấp trò lố để được “like”, kẻ ít tài muốn ngoi lên không ngừng và cay đắng nhận ra mình chông chênh khi đã lên được những nấc thang cao hơn… Nhưng những câu chuyện ấy trước thời Nguyễn Du cũng đã có rồi.
Vậy thì điều gì khiến Thiên Thiên mới? Theo tôi, Thiên Thiên khác lạ so với những vở kịch gần đây vì thực sự đã thành công trong việc đưa điện ảnh vào kịch nói.Thiên Thiên thừa sức làm điều này vì đã có hai át chủ bài là Việt Linh và Phạm Hoàng Nam, cộng thêm nhiều diễn viên đã chạm hoặc đi sâu vào ngõ điện ảnh.Thiên Thiên đã khiến tim khán giả phải loạn nhịp vì phông màn, ánh sáng chứ không chỉ riêng mạch kịch.
Thiên Thiên là một bữa tiệc ánh sáng, ngay cả khi nó thể hiện ánh sáng của đèn xe cấp cứu. Một chiếc màn voan mỏng manh và ngoằn nghèo đường tơ uốn lượn sẵn sàng tương tác với ánh sáng để phản ánh những khúc đoạn tâm hồn của Thiên Thiên. Chiếc bóng đen thi thoảng hiện lên sau tấm phông trắng khiến Thiên Thiên phải van nài “đừng theo tôi nữa” đầy liêu trai và ám ảnh. Những tấm phông hai mặt trắng đen thoắt đỏ, cam, nâu sậm rồi chuyển sang xanh mướt mát. Những ô tứ giác, lục giác, lập thể trên mấy tấm phông có lúc như những phiến kính vỡ, có lúc – nhờ ánh sáng – lại khiến người xem cảm giác đó là chất diệp lục được những đường gân khỏe mạnh nâng đỡ. Tôi đặc biệt thích ánh sáng xanh của Thiên Thiên. Thứ ánh sáng mà tôi đã từng phải lòng khi xem Gatsby vĩ đại. Nhưng nếu ở Gatsby vĩ đại, ánh sáng xanh là một ẩn dụ về hạnh phúc bi ai – thứ hạnh phúc cứ lờn vờn trước mặt nhưng con người càng muốn chạm vào nó thì càng bất lực và tuyệt vọng –  thì ánh sáng xanh của Thiên Thiên lại cho tôi một điều ngược lại, rằng nỗi đau nào cũng sẽ được XOA, rằng nước sẽ về trên ruộng đồng khô hạn. Cứ thế, người sáng tạo lẫn người xem đều chắt chiu ánh sáng, để rồi trôi vào một mộng mơ: mình đã thực sự biết được thế nào là thánh đường nghệ thuật.
Có nhiều khán giả cho rằng: Thiên Thiên nói nhiều hơn diễn nên vở nặng về triết lý. Nhưng “đã” tai. Điều này chính xác. Tôi có thể chép ra hàng trang triết lý từThiên Thiên theo trí nhớ của mình:
“Văn minh thật tàn nhẫn, nó không chịu chờ ai nên lắm kẻ khốn khổ vì không theo kịp. Người biết mình không theo kịp còn may. Người cứ tưởng mình đi trước văn minh mới gọi là thảm họa.”
“Hãy lấy tình yêu trả lại cái ác!”
"Nỗi đau lớn nào cũng cần có nhân chứng."
"Chỉ có trí thức mới đột nhiên á khẩu."
“Khinh bỉ cái xấu là quyền còn lại duy nhất của những ai bị lừa dối.”
“Chuyện mà chú cứ khăng khăng cho rằng cháu ăn cắp tỉ như là ai đó vô tâm đái xuống sông. Sông không vì vậy mà dơ đâu chú. Ngoại cháu nói: lòng sông rộng lắm!”
“Cuộc sống là bức tranh đang vẽ mà chúng ta không có cục gôm. Chúng ta chỉ có thể phủ lên vết vẽ không như mong muốn những gam màu mới.”
“Ta không đề phòng từ phía những người yêu
Cây ngã về nơi không có vết rìu”…
Tác giả kịch bản hẳn đã tích cóp và thấu cảm những chân lý này từ mọi ngõ ngách của đời sống, từ quỹ thời gian trôi qua bản ngã mình. Nghe. Ngẫm. Và thấm. Chợt hiểu ra rằng không ai muốn bất hạnh để chứng tỏ mình minh tuệ trong triết lý, chẳng qua là vì, triết lý tự cô đọng lại sau những kinh nghiệm tận tường về nỗi đau.
Phần mình, tôi cũng có lúc nghi ngờ Thiên Thiên đi vào lối mòn khi đưa ra những thông điệp quá lộ, nhất là phân đoạn cô gái tuổi teen gào thét mong muốn cha mẹ hãy tặng quà do chính họ chọn chứ đừng ném vào mặt con một đống tiền. Tính luận đề của vở không có gì để bàn cãi. Mỗi câu chuyện nhỏ của từng nhân vật là một bài học để suy gẫm. Nhưng rồi Thiên Thiên đã làm tôi yên lòng khi những câu chuyện sau cô bé tuổi teen càng lúc càng hấp dẫn và khó khăn để tháo gỡ hơn, tựa như bài thơ-vè mà nhân vật xem tiền là một ngăn quan trọng, không kém phần thanh cao nơi trái tim ( do Thanh Thủy thủ vai) đọc:
Em nói vịt
Anh nói hạc
Em nói thịt
Anh nói rau
Em nói ao
Anh nói sông
Không nằm võng, không Trường Sơn
Mà hai đứa ở hai đầu xa thẳm…
Xem Thiên Thiên, ta càng chắc chắc một điều: dù có là kiểu hạng nào, dù có bao nhiêu giá trị ngụy chân ủ áo lùm xùm thì con người vẫn chưa bao giờ thôi thèm khát tình thương, chưa bao giờ thôi hy vọng được nâng niu và thấu hiểu.
Vì những lẽ đó, không nên gắn cho Thiên Thiên những cụm từ to tát: kịch đương đại, kịch triết lý… Thiên Thiên chỉ là Thiên Thiên. Là một cách kể chuyện riêng của Việt Linh. Là những chăm chút cho câu chuyện rất đàn bà và rất con người. Là một cuộc dạo chơi không tính toán doanh thu, không lo toan cơm áo. Để dạo chơi như vậy, Việt Linh và ê-kíp của chị hẳn cũng phải rất… Thiên Thiên.
Đào Thị Diễm Trang
(Giảng viên Khoa VHNN, ĐH KHXH&NV Tp.HCM)
Nguồn: tapchivan.com