Thứ Ba, 21 tháng 3, 2017

"Sao tháng tám" Những tâm hồn Cách mạng


Sao tháng Tám, một bộ phim trắng đen của cố đạo diễn - NSND Trần Đắc, bộ phim khắc họa rõ nét khí thế hào hùng của quần chúng nhân dân khi được giác ngộ Cách Mạng, những người Cộng sản nguyện hi sinh thân mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.



Lấy bối cảnh của những ngày sôi sục trước Tổng khởi nghĩa kháng Tám (1945), thời điểm nạn đói Ất Dậu khủng khiếp lan tràn khắp nơi. Để biết ơn công lao của những con người anh hùng vì dân tộc và noi gương tinh thần đoàn kết ủng hộ Việt Minh, tái hiện lại khí thế hào hùng một thời của dân tộc, đoàn làm phim của cố đạo diễn Trần Đắc đã xây dựng thật thành công bộ phim Sao tháng Tám đầy nghệ thuật, giữ lại sự ám ảnh, đau đớn của nhân dân ta trước sự bóc lột của hai ách nô lệ thống trị của Pháp và Nhật.  Như chúng ta đã biết bối cảnh lịch sử Việt Nam trước Cách Mạng tháng Tám là một vấn đề nan giải, ngàn cân treo sợi tóc. Năm 1940 phát xít Nhật tràn vào Đông Dương, Pháp đầu hàng Nhật, Nhật chiếm đóng toàn bộ địa bàn của Pháp ở Đông Dương dùng nó để vơ vét kinh tế phục vụ cho nhu cầu chiến tranh và đàn áp phong trào Cách Mạng. Dân ta vô tình phải chịu hai tròng áp bức Nhật – Pháp khiến cho tình hình đã tồi tệ càng thêm tồi tệ hơn. Sao tháng tám đã phần nào khái quát lại hoàn cảnh lịch sử để người xem có thể hình dung lại được sự khốn cùng của nước ta trong những năm chiến tranh.




Sao tháng Tám như một bức tranh đối lập giữa cuộc sống lầm than của những người dân đen và sự bệ vệ, tác oai tác quái của những kẻ làm chó săn cho giặc. Một bên là cảnh người đói vật vờ, xác chết nằm rải rác la liệt như những cái bóng khắp các hang cùng ngõ hẻm với những tiếng rên xiết ai oán văng vẳng khắp nơi. Một bên lại là những bộ áo dài sang trọng, lả lướt của các quý ông, quý bà theo giặc. Sao tháng Tám là một thước phim giá trị và nếu một ai đã từng xem qua bộ phim này sẽ không nguôi ám ảnh về hình ảnh những con người gầy rộc, lờ đờ, hốc hác chỉ còn “da bọc xương” nằm rệu rã chờ đợi cái chết đến từ từ. Dù quay phim trong thời kì điện ảnh mới đến với nước ta, nhưng đoàn làm phim đã tỏ ra rất chau chuốt, tỉ mỉ trong cách tạo phục trang, âm thanh, hình ảnh, đạo cụ, bối cảnh, tạo hình. Nạn đói hoành hành khắp nơi, đâu phải thời tiết, đâu phải hạn hán mất mùa, mà là cơn lũ giặc ngoại xâm tràn qua cướp đi bao nhiêu công sức cả năm trời của người Việt, chúng bào mòn sức khỏe, sức trẻ, vật chất của người dân để phục vụ cho những âm mưu bẩn thỉu của chúng. Chúng ta không thể quên được những thước phim mô tả thật nhất những cụ già, em nhỏ thều thào đi lại lởn vởn không khác gì những thây ma giữa một khu vực nhỏ ngoại thành Hà Nội, hay cảnh cụ già còn chưa thể chấp nhận đến với việc phải sang một thế giới khác khi bị canh tuần mang đi “Tôi chưa chết đừng chôn tôi” và tiếng đáp trả của hai lính canh “Đằng nào cụ chả chết, cụ đi sớm cho mát mẻ” câu nói của hai thanh niên như một sự khẳng định cho sự sống của người dân nghèo như vắt trên cành cây “sống nay chết mai”. Tiếng kêu gào thê lương của những đôi mắt cơ cực, sự đau thương trong tiếng kêu cứu, van xin miếng ăn tủi nhục. Tiếng khóc nỉ non xung quanh khu nhà đổ nát hòa cùng với tiếng nhạc nền thê lương khiến ta nát lòng, khi xem tới phân cảnh đó tôi những tưởng như mình đang đứng giữa một đám tang tập thể mà trong đó là tiếng khóc ai oán cùng với tiếng kèn đám ma kéo dài âm ỉ ở những buổi chiều thu se lạnh của những năm 1945 ngày ấy. Nhưng xót xa hơn khi tiếng khóc ai oán của những người gần bờ vực cái chết thì họ vẫn khát khao, gắng gượng níu kéo sự sống đến hơi thở cuối cùng, cụ già cố gắng nuốt thật nhanh khô dầu dùng để bón ruộng vào miệng và đôi mắt hoang dại, đau đớn của những con người xung quanh khi cứ một khắc lại có một người ra đi. Họ đang tự mình chống lại cái đói cồn cào trên thân hình gầy rộc đó, thật ai oán, thật xót xa.

Khung hình quay cận cảnh bộ xương khô lộ rõ những mạng sườn hốc hác của lão, “gầy đến xương cũng gầy” là câu nói phù hợp nhất mô tả lão trong thời điểm hiện tại. Đạo diễn đã thật tài tình lấy trọn cảm xúc của người xem, mọi giác quan vỡ òa khi cố bé cất tiếc kêu cứu “Các bác ơi, ai cứu bà cháu với!”, “các bác ơi, ai cứu bà cháu với, bà cháu sắp chết rồi”… đôi mắt non nớt đẫm nước mắt và lời cầu cứu tuyệt vọng của đứa trẻ trước sự bất lực của những người xung quanh rơi vào không trung, một cú máy dài mô tả những khuôn mặt đờ đẫn mất cảm xúc trước cái chết khiến người xem càng xót xa hơn, cái chết cũng đến để lại sự đau đớn trong lòng người ở lại, đói lại cướp đi một mạng người. Mỗi khung cảnh, mỗi phân đoạn trong Sao tháng Tám đều khiến ta thấm đẫm nỗi đau chiến tranh, nỗi đau xâm lược, nỗi đau nước mất nhà tan, nỗi đau đói nghèo.

Tuy nhiên đó chỉ là những khung cảnh tái hiện lại một mặt trong xã hội nước ta lúc bấy giờ, điều chính yếu chủ đạo trong toàn bộ phim là khí thế, là ngọn cờ kháng chiến sục sôi trong lòng quần chúng nhân dân mà dù có học trong sách vở cũng không thể hiểu hết được hết không khí ấy. Những người chiến sĩ của ta, họ tranh thủ từng khoảnh khắc, từng giờ đấu tranh, giác ngộ trong quần chúng nhân dân, họ xâm nhập vào các nhà máy, đồn điền, quần chúng để sống chung với họ, hiểu họ và tuyên truyền Cách Mạng, giải truyền đơn ủng hộ công nhân đình công đòi giảm giờ làm và ngày nghỉ có lương. Cuộc đối đầu giữa dân tộc ta với quân xâm lược diễn ra gay gắt và chực chờ đến thời điểm bùng nổ, ở đó bộ phim cũng thực tài tình khi khắc họa hai nhân vật có sự đối lập hoàn toàn về tư tưởng, suy nghĩ, tâm lí, ước mơ và con đường đi lại càng khác nhau, Kiên và chị gái Kiều Trinh. Hai con người sống cùng một thời đại, cùng cha cùng mẹ nhưng từ lâu trong tâm tưởng của họ đã hình thành nên sự mâu thuẫn. Hình tượng nhân vật, cách tạo hình của hai nhân mật được chỉ đạo một cách chắc tay, lối diễn bài bản của Kiều Trinh khắc họa đặc sắc người đàn bà tham vọng quyền lực, tiền tài, mưu lược và thủ đoạn, cô đã tạo nên làn sóng phẫn nộ trong lòng người xem với bọn chó săn cho giặc. Kiên, đại diện cho những con người trí thức cách mạng đương thời có ý chí nhưng còn mềm yếu, không dứt ra được nỗi đau thực tại của gia đình anh mang lại, nỗi đau chứng kiến sự tha hóa nhân cách của chị gái mình.

"Một bên lại là những bộ áo dài sang trọng, lả lướt của các quý ông, quý bà theo giặc..."

Bộ phim chủ trương nói lên những khía cạnh xã hội nước ta có liên quan đến các nhân vật trong phim, nhà làm phim đã thật thành công trong việc tạo hơi thở của thời đại trong phim khiến bao trái tim thổn thức, một vẻ đẹp đương thời trong lòng công chúng nhân dân. Cái xã hội thu nhỏ dám đứng lên đấu tranh giành độc lập, đứng lên “đả đảo phát xít nhật” kêu gọi quần chúng nhân dân đồng loạt đoàn kết đánh đuổi quân ngoại xâm ra khỏi đất nước, ủng hộ Việt Minh. Những khung hình đầy sức gợi, tạo cảm quan mãnh liệt trong lòng người xem, cảnh chị Nhu đứng trên giàn giáo nhà máy tuyên truyền tư tưởng chủ trương của Đảng, của Việt Minh tới đồng bào, công nhân nhà máy, máy quay dựng từ dưới hướng lên cùng giọng nói quyết liệt của chị vang vọng khắp nhà máy đã khơi lên sức nóng mãnh liệt trong lòng những người công nhân nơi đó, cũng từ bối cảnh đó, máy quay lia xuống dưới cho lấy chị đã lấy được trọn vẹn lòng tin của công nhân trong tiếng hô đồng thanh “đả đảo”. Pha dừng máy trước cảnh một bên là hình nhân giấy đốt cầu siêu cho người chết và một bên là hình ảnh bà lão còn sống nằm queo quắp bên cạnh, tóc tai rũ rượi khác nào bộ xương khô dưới âm phủ, sự rẻ rung trong lời nói của một “bà huyện” khiến ta nghẹn ngào, đau xót, phẫn nộ. Là cảnh chị Nhu đau đớn khi nghe tiếng súng của quân nhật nổ vào chồng mình, máy quay cận cảnh đổi mắt vừa bi ai, đau xót của chị đồng thời ánh lên sự căm thù đối với sự tàn ác của quân phát xít, đôi mắt của sự dũng cảm gạt bỏ những đau thương để tiếp tục đấu tranh giành độc lập, kể cả việc xa đứa con vừa mới sinh non của mình, bất chấp hiểm nguy hoàn thành nhiệm vụ, không cần dùng đến lời thoại chỉ một ánh mắt thôi cũng đủ khiến ta xót xa, nao lòng trươc tình mẫu tử chia lìa. Hay cảnh Kiên bị thương, đưa đôi mắt vừa đau đớn vừa căm phẫn về phía đôi mắt kinh hoàng của người chị ruột Kiều Trinh, người đã gián tiếp khiến quân Nhật nổ súng vào anh, máy quay cận cảnh dừng lại ở Kiên và Kiều Trinh đã lột tả toàn bộ cảm xúc hỗn độn của hai nhân vật qua đôi mắt, cử chỉ, thời gian, âm thanh của những chuyển động cũng như đứng lại trong nỗi đau đớn và tuyệt vọng của Kiên. Những thước phim vô cùng nghệ thuật khiến người xem cảm khái mãi không nguôi.

NSƯT Thanh Tú trong vai chị Nhu của Sao tháng tám

Âm thanh sống động trong phim cũng một phần nào góp sức cho sự thành công của bộ phim mang lại, những tiếng giày đinh nện trên nền đất của bọn quân lính đang truy lùng Việt ngày đêm vang lên trên khu phố Hà Nội. Tiếng khóc, tiếng rên thê lương của những bộ xương khô di động ở các hang cùng, ngõ hẻm ngoại thành. Ám ảnh hơn là tiếng cười của những kẻ điên tình chủ động bán mình cho giặc, tiếng cười của sự tự mãn, vui thú, tiếng cười của sự kinh hoàng, tuyệt vọng, mỉa mai cứ the thé vang lên đầy ghê tởm. Đặc biệt, tiếng của khúc ca khải hoàn vang vọng khắp thành phố Hà Nội hòa vào đó là bản nhạc bất hủ, những khúc tráng ca cách mạng của cố nhạc sĩ Văn Cao, Nguyễn Đình thi cùng giai điệu tự hào của “Quốc tế ca”, mạnh mẽ và làm sống dậy một không khí sục sôi của thời đại. Bối cảnh tuyệt vời hòa cùng tiếng nhạc, ngọn cờ đỏ sao vàng được cắm lên nóc nhà dinh độc lập cùng với đoàn người cầm những lá cờ phấp phới, những băng rôn, khẩu hiệu hoành tráng chạy dọc trên đường phố, máy quay đứng một góc dựng đứng để thu về những khoảnh khắc ấn tượng, nổi bật lên ở đó là khuôn mặt rạng rỡ niềm vui chiến thắng của chiến sĩ Nhu và Mến, khép lại bộ phim bằng sự háo hức, sôi động của một thủ đô Hà Nội giải phóng.

Sao thánh Tám, bộ phim gây sức ảnh hưởng của thời đại, làm mãn nhãn người xem. Không hổ danh là phim về đề tài Cách Mạng, bộ phim đã phần nào khơi lại một thời của dân tộc những mảng màu đối lập của xã hội đương thời, đói nhèo, cái chết lầm than và sự xa hoa của những “ông lớn”, “bà huyện”, sự căm phẫn, tức tối trước một xã hội đầy bất công của nước ta trong thời điểm đó. Bộ phim đã thành công trong việc tạo ra những chi tiết, bối cảnh xã hội, sự mâu thuẫn trong những tình huống đẩy lên cao trào kháng chiến, sự đồng lòng đồng sức trong đồng bào, khẳng định một dân tộc độc lập, tự chủ.


Sao tháng Tám đầy đủ sức gợi và làm nên một chương lịch sử phim ảnh của thời đại, vang vọng mãi trong nền điện ảnh Việt Nam, một bước phát triển mạnh mẽ trong làng điện ảnh của nhà làm phim cùng những diễn viên trong bộ phim của ngày ấy, để đến nay trước sự phát triển vượt bậc của môn nghệ thuật thứ bảy khi nói đến đề tài Cách Mạng, Sao tháng Tám vẫn là bộ phim không thể nào thay thế. Sức sống kinh điển của Sao tháng Tám đã đạt được thành tựu khi nhận giải Bông sen vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ IV năm 1977, một giải thưởng danh giá cho những người làm phim và chính bộ phim. Sao tháng Tám, ngôi sao sáng nhất giữa bầu trời u ám của tháng Tám lịch sử, đã đem đến giá trị hiện thực, giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật cùng những giá trị nhân văn sâu sắc.

Nguyễn Thị Miên

0 nhận xét:

Đăng nhận xét