Thứ Hai, 6 tháng 3, 2017

Nghệ thuật làm phim Silenced



Một bộ phim thành công ngoài việc nhà đạo diễn tìm nội dung hay, đánh động vào tâm lý người xem cùng diễn xuất ấn tượng của dàn diễn viên thì việc tạo ra những cú “ghi điểm” trong lòng người thông qua kỹ thuật dựng phim cực kỳ tinh tế càng làm bộ phim tăng thêm tính nghệ thuật, triết lý. Khi xem xong một bộ phim, ta không thể nào nhớ rõ từng chi tiết các trình tự của chúng nhưng với những cảnh ấn tượng, làm hài lòng người xem từ trang phục đến màu sắc, từ các bày trí đồ vật đến âm thanh, góc độ quay, diễn xuất...đã khiến bộ phim thật sự đi vào lòng người một cách tinh tế. Có những cảnh quay trở thành kinh điển cho nghệ thuật điện ảnh bởi mỗi sự xuất hiện, thay đổi trong phim ở cảnh đều thể hiện ý đồ của đạo diễn, tạo nên giá trị khổng lồ cho nền nghệ thuật. Bộ phim Silenced là một minh chứng tiêu biểu cho nghệ thuật dựng phim này. Với cách sắp đặt cảnh quay, âm thanh, màu sắc qua từng góc nhìn nhân vật, bộ phim đã lấy đi bao nước mắt của khán giả trước sự khủng khiếp của nạn ấu dâm của Hàn Quốc thời bấy giờ, tác động mạnh vào xã hội và nhà cầm quyền.



Silenced được chuyển thể từ tiểu thuyết Dogani của nhà văn Kong Ji Young viết năm 2009. Sau khi nghe lời giới thiệu của diễn viên Gong Yoo về truyện, đạo diễn Hwang Dong Hyuk lập tức lên ý tưởng và triển khai thực hiện bộ phim này, chuyển những trang sách lên màn ảnh rộng điện ảnh. Câu chuyện được viết dựa trên sự việc có thật tại một ngôi trường hẻo lánh nuôi dạy trẻ khuyết tật vùng Gwangju. Nơi đó, những đứa trẻ bất hạnh thường xuyên bị bạo hành tình dục bởi chính những người thầy đang dạy mình. Nơi đó, những con người vô nhân tính đấy cứ đem đứa trẻ ra hành hạ như một sự giải tỏa. Bộ phim kể về hành trình tìm lại công lý cho những đứa trẻ xấu số đó của thầy giáo Kang In Ho – giáo viên dạy mỹ thuật biết thủ ngữ. Gia cảnh thầy In Ho khá khó khăn về kinh tế, vợ mất đi để lại đứa con gái bệnh suyễn nặng cùng bà mẹ già. Thế nhưng công việc chật vật khiến thầy không có tiền gửi về nhà lần nào. Khi được thầy giáo sư giới thiệu đến dạy tại trường tỉnh lị Mujin (ngôi trường dành cho trẻ khuyết tật), In Ho lập tức nhận lời ngay và bắt đầu công việc bằng chính sự nhiệt tâm của một người thầy. Đằng sau ngôi trường im ắng đó là sự thật khủng khiếp, những đức trẻ không nói được, không nghe được hằng ngày phải sống trong sự sợ hãi về mối đe dọa xâm phạm. Từng đoạn phim được ghi lại qua lời kể của Kim Yeon Du và Jin Yu Ri – hai đứa bé gái bị thầy hiệu trưởng giở trò đồi bại ngay trong trường, trong phòng làm việc, Jeon Min Su – đứa bé trai bị thầy chủ nhiệm đánh đập dã man vì tội “không nghe lời” trước những hành động ấu dâm khủng khiếp, mất nhân tính. Cậu em trai của Min Su vì ốm yếu và không chịu được cú sốc sau những lần ấy đã lao đầu vào xe lửa để kết thúc cuộc đời ghê rợn của mình. Dưới sự giúp sức của Yoo Jin – cô gái làm việc tại trung tâm Bảo vệ nhân quyền vùng Mujin , sự thật được phơi bày, những bộ mặt giả nhân dần lộ diện. Thế nhưng, ánh sáng không nghiêng về họ, tội lỗi của kẻ mất nhân tính được pháp luật khoan hồng và không bị trừng trị thích đáng, để lại nỗi đau trong lòng mỗi đứa trẻ. Không chấp nhận sự thật, Min Su đã tự tay giết chết người đã vấy bẩn cuộc đời em và tự vẫn cùng ông ta trên đường ray xe lửa. Cuối truyện, vụ việc vẫn chưa đến hồi kết, những lần phúc thẩm thất bại và những tên mất nhân tính kia vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, câu chuyện vẫn bỏ ngỏ.

Phim Silenced là sự kết hợp hoàn mỹ từ yếu tố dàn cảnh đến nghệ thuật quay phim, từ hình ảnh dựng phim đến âm thanh phối hợp. Bên cạn đó, phần diễn xuất của diễn viên, đặc biệt là diễn viên nhí đã khiến người xem không khỏi ngỡ ngàng, thán phục trước những thước phim tâm lý.

Một cảnh trong Silenced

Mỗi cảnh quay, đạo diễn đều đặt vào đó ẩn nghĩa đại diện cho cảnh quay đó. Ngay từ đầu phim, cảnh u tịch hiện ra khi hai sự việc diễn ra song song như đều đến cái kết giống nhau, đó là sự hủy diệt. Đạo diễn đã rất khéo léo khi xây dựng cảnh người thầy đầu tiên đến Mujin trong làn sương mờ không thấy lối đã vô tình cán chết con nai bên đường. Bên cạnh đó, hình ảnh một cậu bé với đôi mắt đượm buồn, thất thểu đi trên đường ray và bị đoàn tàu đâm vào. Hai hình ảnh đó khiến người xem ngay từ lúc đầu đã không nhận ra được đâu là thật bởi nếu không nhìn rõ, người đọc sẽ nhầm tưởng người thầy đã cán chết cậu bé. Thật thật, giả giả ở cảnh này thật khó phân biệt. Một tín hiệu không lành khác cho bộ phim chính là khi thầy In Ho bước vào căn phòng của thầy hiệu trưởng, toàn bộ cảnh văn phòng được quay ngược lên, tức người xem nhìn từ phía trên xuống, trái hẳn với mắt nhìn hiện thực, tất cả được thu gọn vào camera được gắn trên trần nhà. Chỉ một chi tiết lắp đặt nhỏ thế những ta cũng thấy được sự bất thường nơi này, đó chính là ĐIỀU NGHỊCH LÝ khi tồn tại trong ngôi trường man rợ này. Đến khi vụ án kiện tụng đến hồi kết, camera này chính là vật chứng duy nhất có thể khiến vụ kiện được thắng. Nhưng nào ai ngờ, chính cái vật nhỏ xíu trên trần nhà ghi lại tất cả hành động đồi bại của thầy hiệu trưởng với bé Yu Ri lại đập tan hy vọng của họ khi mà luật sư bên họ đã vì danh, vì lợi mà bán đi lương tâm làm nghề, bán đi danh dự và niềm hy vọng của những đứa trẻ. Căn phòng của vị lãnh đạo này luôn lập lòe bởi một thứ ánh sáng vàng vọt nhưng thiếu sự ấm áp, chỉ độc một cây đèn ngủ lúc nào cũng mở dù ban ngày. Khi những người trong căn phòng ấy trò chuyện, dường như đạo diễn đã rất “cố gắng” để đủ ánh sáng, nhìn rõ khuôn mặt người nói. Một cảnh khác trong phim cũng khiến người xem ngay từ đầu đã có mối ngờ hoặc trong ngôi trường đó chính là phòng của ban hành chính. Với cách bày trí căn phòng vô cùng lộn xộn, những giấy tờ công văn cứ chồng lên, xốc xếch mỗi bàn, gây khó khăn cho người vào đủ thấy được sự bất bình thường trong cách tổ chức một cơ quan, đơn vị bởi phòng hành chánh là phòng sao lưu những hồ sơ quan trọng, nắm việc vận hành cả một cơ quan. Đặc biệt ở cuối phim, khi Min Su mất, cuộc biểu tình dành lại quyền thắng đã diễn ra trong sự đàn áp gay gắt của lực lượng công an, khung cảnh hỗn loạn, người người phẫn nộ trước phán quyết đấy. Người xem không thể không vỡ òa trước cảnh thầy In Ho cầm di ảnh của trò Min Su hồn nhiên, liên tục gọi tên và nhắc mọi người nhớ đến em. Khi tấm ảnh rơi xuống, bị đạp nát cũng là lúc thầy gục ngã trong tuyệt vọng.

Màu sắc chủ đạo sử dụng trong bộ phim này là gam màu tối với những lối đi mờ ảo, với những căn phòng chỉ có ánh đèn hiu hắt trong không gian rộng lớn để thấy được rằng các em khiếm thính đáng thương này phải luôn sống trong cảnh bị cái ác, cái xấu vùi dập và không có tiếng nói. Tuy nhiên, có một cảnh mà đạo diễn dường như dành cả ánh sáng cho bộ phim ở đấy chính là lúc cô bé Yeon Du bị thầy hiệu trưởng dồn đến đường cùng, chạy đến nhà vệ sinh trốn nhưng bị thầy phát hiện. Lúc thầy nhìn thấy bé trong căn phòng áp cuối, đôi mắt sợ hãi ướt sũng, miệng không ngừng hét lên trong không trung, gương mặt non nớt ấy như một thiên thần bị nỗi sợ áp chế. Tất cả ánh sáng đều tập trung ở gương mặt em trong vòng một giây để rồi vụt tắt đi trong niềm tuyệt vọng nhưng để lại ấn tượng cho người xem. Em đã không thể chống lại sự tàn bạo.

Nữ diễn viên nhí Kim Hyun Soo trong vai Yeon Du

Đằng sau những thước phim tuy đơn giản đó là cả một bộ phận kỹ thuật quay phim với tính nghệ thuật cao. Nhìn chung, tốc độ phim khá chậm để nhân vật có đủ thời gian trải lòng, gặm nhắm những thống khổ trong thời gian qua. Có lúc sự vồn vã của thời gian xét xử vụ án làm tăng lên nhịp độ của phim. Chẳng hạn, khi thầy phát hiện camera trong phòng, máy quay đã không ngừng tua lại khuôn mặt của ba nhân vật với ba trạng thái khác nhau, đại diện cho ba số phận khác nhau: gương mặt và tiếng kêu thất thanh của bé Yu Ri khi bị thầy hãm hại, gương mặt thỏa mãn dục vọng của thầy và gương mặt kinh hãi của In Ho. Ba hình ảnh đó cứ liên tục thay đổi với tốc độ chóng mặt đã in sâu vào tâm trí người xem, khiến chúng trở nên sợ hãi hơn bao giờ hết. Một khía cạnh khác, thuật phối cảnh viễn cận để tạo ra khuôn hình rõ ràng của phim cũng là một cách để đạo diễn truyền tải được nội dung và tầm ý nghĩa. Ở cảnh bãi biển, khi những đứa trẻ đã tật nguyền về thể xác thì nay lại phải gánh chịu những tổn thương về tinh thần được chơi đùa, nhà sản xuất cố tình đặt máy quay ở góc quay rộng nhất từ đầu phim để thấy được rằng, qua mỗi phiên xét xử, dù thế nào đi nữa thì chân trời rộng mở đấy vẫn chờ đợi các em, một không khí thoáng đãng hơn, ánh sáng cũng dịu nhẹ, sáng và ấm áp hơn kết hợp với tiếng sóng, tiếng nhạc êm dịu bao trùm cả không gian đó. Tuy các em không nghe thấy, không nói lên được tiếng lòng nhưng qua cử chỉ nét mặt, người xem hiểu các em nghe và nói bằng chính trái tim. Ở đó, các em được bình yên dưới sự che chở của hai người tốt, ở đó các em được vẫy vùng trước sự rộng lớn, mênh mông của biển cả. Đó là chân trời của các em.

Để trải dài những dòng suy nghĩ, cảm xúc, đạo diễn đã có những pha kéo dài thời gian chiếu của cảnh quay. Nhịp của quay phim từ đó cũng thể hiện rất chậm qua từng cử chỉ, thái độ. Cảnh thầy In Ho nghe lời người mẹ khuyên, đem tặng chậu lan mà thầy hiệu trưởng trường thích để công việc được thuận lợi hơn được chiếu chậm đến hết mức. Bởi trước khi bước vào căn phòng đó, thầy đã nhìn thấy cảnh thầy chủ nhiệm lôi Min Su đi để tiếp tục những đòn tra tấn vì tội “không nghe lời”. Trước ranh giới mong manh của cái thiện (giành lại cậu bé đổi lại tương lai đên tối) hoặc đến gần với cái ác (thảnh nhiên như không có gì xảy ra tiếp tục tiến vào tặng chậu hoa lan cho hiệu trưởng), chỉ vài giây để suy nghĩ và quyết định nhưng cảnh phim đó kéo dài đến hai phút. Những cái vẫy tay mời gọi trong phòng hiệu trưởng, tiếng đá trong chậu hoa rơi dần trên đất, tiếng bước đi nện thẳng xuống nền gạch như đang trút giận của thầy cay nghiệt làm tâm trí In Ho rối bời, và thầy đã quyết định, đập thẳng chậu hoa vào đầu tên thầy đồi bại, mặc cho tương lai công việc kết thúc tại đó. Hơn thế nữa, ở cảnh phiên tòa xét xử kết thúc với những mức án quá nhẹ cho kẻ mất nhân tính, hình ảnh bên kiện nhốn nhào không bình tĩnh, xô xát với công an, hình ảnh những đứa trẻ dù cố gắng đến mấy chúng vẫn phải thiệt thòi vì công lý không dành cho chúng khóc ròng, đau khổ, tuyệt vọng, hình ảnh bé Yu Ri mắc bệnh ăn vặt thản nhiên ngậm kẹo, hình ảnh bên thắng kiện ăn mừng, đọc kinh thánh chúc mừng nhau… tất cả đều được máy quay quay rất chậm, rất kỹ, xét rõ từng cử chỉ của người tham gia phiên tòa. Nỗi đau đó cứ kéo dài mãi, vô tận, vô cùng trước niềm vui sướng của những kẻ phạm tội. Đấy là thời gian để người xem nghiền ngẫm, nhìn lại chuyện gì đã xảy ra giữa thời này?

Trước khi nổi tiếng với Train To Busan, diễn viên Gong Yoo đã vào vai thầy giáo In Ho đầy ấn tượng trong Silenced

Một bộ phim đánh động tâm lý người xem như thế không thể thiếu âm thanh. Ở phim này, âm thanh đã phát huy tối đa sức mạnh chẳng kém gì những cảnh quay. Âm nhạc chủ đạo được sử dụng trong phim có âm vực trầm, như một bài hát buồn dành tặng cho những đứa trẻ đáng thương. Những bài hát, nhạc nền trong phim tuy khác nhau về nhịp điệu nhưng chúng đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Mỗi cảnh, mỗi thời điểm khác nhau, nhà làm phim đều có những trường đoạn âm thanh riêng biệt và được lọc rất kỹ. Chẳng hạn, vào lúc tên hiệu trưởng có hành động xấu với bé Yeon Du, tiếng kêu cứu kéo dài, ngân vang cả hành lang thảm thiết của bé kết hợp với tiếng nhạc rất nhẹ mang đầy tính liêu trai khiến người xem hồi hộp đến từng bước chân của In Ho. Tiếng lê đôi chân cùng tiếng nhạc thúc bách khi Yu Ri kéo thầy In Ho đến nơi Yeon Du bị đẩy vào máy giặt tạo hiệu ứng cho người xem. Tất cả âm thanh trong bộ phim đều không thừa, không thiếu bất cứ quãng nào. Để tạo được sự chân thật trong cảnh quay, đạo diễn sử dụng rất nhiều đoạn âm thanh bao quanh, đó là tiếng la hét, lộn xộn, mỗi khi phiên tòa kết thúc, đó là khi kết quả cuối cùng được phán quyết không thỏa lòng người mong đợi, đó là khi nỗi tức giận về xã hội đã dân đến tột cùng, họ đứng dậy đấu tranh để phần nào vơi đi cơn giận dữ. Mỗi cảnh như vậy, hàng trăm ngàn âm thanh bao quanh được dựng ra kết hợp với tiếng nhạc nhẹ tạo nên không khí vô cùng ngột ngạt, vồn vã. Âm thanh sử dụng hay nhất là lúc hội đồng thẩm phán kiểm tra thính giác của bé Yeon Du. Họ để bé nghe một bài hát, nếu bé nghe thì giơ tay lên. Và trước sự im lặng của mọi người, bài hát vang lên như khúc dạo buồn cho những cảnh đời bất hạnh. Phải chăng, đây là lúc bé thấm thiá câu nói mà thầy In Ho từng nói: “Những điều đẹp đẽ và kỳ diệu nhất trên thế giới này, không thể được nhìn hay được nghe, mà phải được cảm nhận bằng trái tim”. Bé đã nghe được bài hát trước sự ngỡ ngàng của mọi người và đôi mắt căm thù của kẻ gây ra bao tội lỗi. Bên cạnh đó, âm thanh trong phim còn thể hiện ở những nốt cao, người xem sẽ “nổi da gà” khi nghe tiếng băng keo được xé ra để trói tay chân bé Yu Ri của thầy hiệu trưởng. Lúc ấy, tiếng kêu của bé bị tắt đi, chỉ còn trơ tiếng xé ghê rợn, tác động mạnh vào tâm lý người xem hơn là lồng thêm vào tiếng kêu. Tất cả âm thanh trong phim đều có sự kết hợp với cảnh quay, nhằm liên kết với hình ảnh khơi cảm xúc cho người xem.

Với những cống hiến to lớn cho nền điện ảnh Hàn Quốc như thế, Silenced xứng đáng được nhận những giải thưởng cao quý như Giải Âm nhạc hay nhất (2011), Phim hay nhất tại Hàn Quốc (2011), Giải khán giả bầu chọn ở Undie Far East Film…Bộ phim thật sự như cú tát vào nền giáo dục và xã thời bấy giờ, lên án gay gắt những tên ấu dâm mất hết tính người và sự vô tình của những kẻ ham danh, ham lợi, mặc cho công lý mãi bị vùi lấp. Song hành với điều bất nhẫn đó, phim cũng dành ra những thước phim tươi vui, hồn nhiên, thấy được nụ cười của những đứa trẻ đáng thương đó bước ra từ vùng tâm tối, mở ra chân trời mới cho các em để phần nào xoa dịu nỗi đau mà các em phải gánh chịu.

Văn Kim Hoàng





0 nhận xét:

Đăng nhận xét