Thứ Năm, 2 tháng 2, 2017

Trò chơi đời người trong bộ phim Bao giờ cho đến tháng mười


Bao giờ cho đến tháng mười
 là một câu chuyện bi kịch. Được đánh giá cao cả về nghệ thuật và tư tưởng, bộ phim thực sự chạm đến những tầng xúc cảm sâu xa của người xem. Tuy nhiên, vấn đề đáng chú ý là những điểm nhấn nghệ thuật của bộ phim, những trường đoạn lấy nước mắt khán giả, hầu như đều được xây dựng và tổ chức trong hình thức của trò chơi. Trò chơi, đó là những bức tranh màu và khẩu súng nhựa hồn nhiên của Tuấn, là con diều của chồng Duyên, nhưng sâu xa hơn, đó cũng là sự “đóng kịch” của Duyên, hay sự giả trang của Khang vào vai người đã khuất. Trò chơi ở đây cần được hiểu là một cấu trúc thẩm mỹ kiến tạo nên tình huống và dẫn dắt diễn tiến cốt truyện theo một mạch xuyên suốt. Từ những ý tưởng đó, bài viết này sẽ thử đi vào tìm hiểu ý nghĩa của tác phẩm điện ảnh kinh điển, Bao giờ cho đến tháng mười, từ góc nhìn của lý thuyết trò chơi.


Trò chơi trong Bao giờ cho đến tháng mười không phải là một cái gì đối lập với bi kịch, mà ngược lại, trở thành phương thức tồn tại và vận hành của bi kịch. Trò chơi, đó không chỉ là cái trạng huống trớ trêu mà số phận dồn đẩy con người vào – không phải là con người hoàn toàn “bị chơi”, thật ra, vấn đề ở đây là con người đã tự kiến tạo nên luật chơi và tự tham gia vào trò chơi đời mình một cách vừa bất đắc dĩ vừa tự nguyện. Từ trò bắn súng thả diều của đứa trẻ (Tuấn) đến trò hóa thân, đóng vai và diễn kịch của người lớn (Duyên và Khang) mặc dù khác nhau về nội hàm nhưng vẫn chỉ là một hình thái. Vẫn là lựa chọn, rồi dấn thân, rồi hòa mình vào cái trật tự giả định; và cho đến cuối cùng, vẫn là hư cấu nên một thực tại khác tách biệt với cái hiện thực nghiêm túc bên ngoài. Sự phối kết sâu sắc giữa trò chơi và bi kịch là một điểm nhấn đặc biệt trong bộ phim – chính tại đó, các nhân vật, dù vô tình hay hữu ý, đã bộc lộ rõ nhất thân phận, bản chất và vẻ đẹp của mình.

Nữ diễn viên Lê Vân trong vai Duyên

Trò chơi đầu tiên được tạo ra là trò đóng vai. Mọi thứ bắt đầu khi Duyên quyết định giấu mọi người trong gia đình và thôn xóm sự thật về cái chết của chồng mình. Kể từ đó, Duyên vào vai người vợ có chồng đi chiến đấu xa (chứ không phải là một góa phụ). Kể từ đó, cô liên tục tạo ra những sự kiện để duy trì cái thực tại hư cấu về sự hiện hữu của chồng mình. Những món quà mang về từ Tây Nguyên, những tin tức của chồng, những bức thư… tất cả đều là sự “bịa đặt” của Duyên, nhằm nuôi dưỡng niềm tin của mọi người cũng như niềm hy vọng hư ảo của cô. Duyên sống hai đời sống, mà cái nào cũng nhập nhằng hư thực: một bên là đời sống bên ngoài với gia đình và hàng xóm – nơi cô phải đeo mặt nạ để nhập vai; một bên là đời sống nội tâm – nơi cô cởi bỏ những gồng gánh để trực diện với mất mát. Trò chơi này, một cách tất yếu, dẫn đến hai hiệu ứng trái ngược đối với Duyên và những người trong gia đình cô: bi kịch – dành cho người biết, và thanh thản – dành cho người không biết. Chỉ có khán giả là kẻ duy nhất đứng từ bên ngoài nhìn thấu toàn bộ cái cục diện trớ trêu và bi đát của các nhân vật.

Trò chơi thứ hai là sự hóa thân của Khang vào vai chồng Duyên. Được Duyên nhờ vả, Khang tự đặt mình vào vị thế của người chồng để viết thư gửi về cho gia đình Duyên –  trò chơi đó không đơn thuần chỉ là một sự sắm vai, mà phải là sự thấu nhập và hiểu biết sâu xa về thân phận của nhau để có thể “trở thành nhau” một cách trọn vẹn. Khang, trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, đã “từ bỏ” bản thân mình để sống sự sống của một người quá cố. Bức thư của Khang đã hoàn thành sứ mệnh của nó trong việc đáp ứng nỗi mong mỏi tin tức của gia đình và làng xóm, nhưng một lần nữa, tính hai mặt của hoàn cảnh đã phơi bày sự đối nghịch giữa Duyên và đám đông những người đọc thư. Cảnh Duyên đứng nấp sau cánh cửa nghe nội dung bức thư dễ gợi lên những phức cảm: cô đang bàng hoàng ngơ ngẩn với sự hiện hữu trở lại của chồng, hay đang tuyệt vọng với cái nhận thức thấm thía về nỗi mất mát không thể cứu vãn mà chỉ mình cô là người hiểu rõ?

Một cảnh trong phim "Bao giờ cho đến tháng mười"

Trường đoạn đáng chú ý nhất, và cũng mang tính trò chơi cao độ nhất, là trường đoạn vở chèo trong hội làng. Duyên đóng vai người thiếu phụ tiễn chồng ra trận. Tính chất song trùng giữa số phận của Duyên và người thiếu phụ trong vở chèo đã tạo nên một tình thế bi kịch giữa chân và ngụy, rằng đâu là bản thể của con người – là kẻ đang ca hát đấy hay là kẻ đang tiễn đưa chồng, là kẻ đang đóng vai hay là kẻ được đóng vai? Có thể nói, ở đây, Duyên đóng thêm một lớp kịch nữa chồng lên lớp kịch do chính cô tạo ra ngay từ đầu, và rằng Duyên đã đóng kịch trong đời thực nhưng đã sống thực trong vở kịch – chính ở cái tình huống tới hạn này, toàn bộ nông nỗi của nhân sinh chợt vụt hiện trong khoảnh khắc. Như một câu nói của Charles Chaplin, “Cuộc đời nhìn gần là bi kịch, nhìn xa là hài kịch”, ta thấy thâu tóm lại trong trường đoạn này tất cả cái tấn kịch nghệ bi thảm của người quá phụ trẻ. Duyên không diễn được đến hết vở chèo – bởi vai diễn người thiếu phụ trong vở chèo đối với cô đã không còn là một vai diễn. Sự đối nghịch giữa tâm trạng đau đớn của Duyên và sự vui vẻ của đám đông khán giả bên dưới cho thấy cái khoảng cách thăm thẳm của kịch và đời, của sự thật và sự giả trang.

Phiên chợ âm dương lại là một cuộc chơi khác. Đó vốn là một lễ hội truyền thống của làng bắt nguồn từ một truyền thuyết cổ xưa, rằng vào ngày rằm tháng bảy hằng năm, bên miếu thờ Thành Hoàng người sống và người chết sẽ có cơ hội được gặp mặt nhau. Trường đoạn này, Duyên gặp lại chồng cô, nhưng hai người không thể chạm vào nhau. Cái khoảng cách ngắn ngủi giữa hai bàn tay cũng là khoảng cách vô tận giữa hai cõi giới. Phiên chợ diễn ra không rõ mơ hay thực, nhưng xét đến cùng nó cũng mang bóng dáng của một trò chơi đuổi bắt vô vọng – trong đó Duyên, kẻ theo đuổi, dường như mãi không thể nào “bắt” được hạnh phúc. Trò đuổi bắt diễn ra trong một tình thế mất cân đối: Duyên gần như bị “lọt thỏm” trong bóng tối, với phông nền ẩn hiện phía xa là tầng tầng lớp lớp những đóa hoa đăng trôi nổi – biểu tượng của vô số những linh hồn chết trận.


Toàn bộ bộ phim là một trò chơi lớn giữa cái biết và không biết, giữa sự thật và hư cấu, giữa sống và chết, âm và dương. Điều hiện diện xuyên suốt và còn lại sau cùng trong chuỗi trò chơi bất tận ấy là tình yêu thương của con người. Giây phút người cha trút hơi thở cuối cùng cũng là giây phút mọi trò chơi chấm dứt – tiếng nấc nghẹn của Duyên, “Con có lỗi với bố! Con đã giấu bố!” trở thành âm thanh chung cuộc đóng lại tất cả. Tuy vậy, kìm nén và chịu đựng đã trở thành một bản năng quá sâu sắc của người phụ nữ, nên lẽ ra trong thời khắc không còn gì để che giấu (khi người cha đã chết và khi những người bộ đội đã đến nhà để đưa tin báo tử), Duyên phải được trút xả toàn bộ nỗi đau đớn dồn ứ bấy lâu của cô, thì cái mà chúng ta trông thấy, và nghe thấy, là hành động đưa tay ôm mặt và tiếng khóc rấm rứt không bung thoát ra được của Duyên. Cái chết của người chồng đẩy Duyên vào tình thế phải “chơi”, và cái chết của người cha khép lại cuộc chơi tréo ngoe đó để mở ra một sự sống mới – ngày đó Tuấn, con Duyên, bắt đầu theo bạn bè đến lớp, ngày đó cũng là ngày các nhân vật bắt đầu nhìn cuộc sống bằng nụ cười và giọt nước mắt thấu hiểu và rất đỗi chân thành.


Hồng Sương

0 nhận xét:

Đăng nhận xét