Moana đã tạo nên làn sóng thành công vang dội,
nhưng tương lai cho các nữ chính của xưởng phim này sẽ như thế
nào?
Cover
phim Moana
Moana là một bộ phim đột phá cho Disney, bởi đây
là lần đầu tiên xưởng phim này có một cô công chúa đến từ Polynesia – Đa Đảo,
nhưng như thế vẫn chưa hết. Nhân vật chính còn sở hữu một thân hình “trung bình”
chứ không có vòng eo con kiến hay tay chân dài thượt bất thường như các nàng
công chúa trước đó. Khi vừa mới công chiếu ở các rạp, phim đã nhận được nhiều
nhận xét tích cực, trong đó tạp chí Slant đã khen ngợi rằng nàng công chúa mới
nhất này “không nổi loạn kiểu ích
kỷ, cũng không ngây thơ đến mức tưởng cuộc đời toàn màu hồng.”Rebecca Hains, tác giả của cuốn “The Princess Problem: Guiding Our Girls through the Princess-Obsessed Years” (tạm dịch là Vấn nạn Công chúa: Hướng dẫn Con gái Chúng ta Vượt qua những Năm bị Công chúa Ám ảnh) nhìn nhận một cách chắc chắn rằng vẻ ngoài của Moana là một sự tiến bộ. Bà nói: “Theo tôi việc này có ý nghĩa rất lớn. Rõ ràng Disney đã biết tiếp thu các ý kiến phê bình. Việc ngày càng có nhiều nữ chính với thân hình trung bình xuất hiện trên màn ảnh là rất quan trọng; và đây là một dấu hiệu tích cực cho thấy Disney đã bắt đầu thực sự lắng nghe những băn khoăn của các bậc phụ huynh.”
Thế nhưng Debbie Schlussel, một cây bút bảo thủ và đồng thời là người dẫn talk show lại thấy một Moana đậm người là ví dụ của “political correctness” đi quá xa. Bà nói: “Tôi nghĩ nó (bộ phim) làm các bé gái nghĩ rằng chúng không cần phải có thân hình thon gọn. Nó khiến các em sau này có một lối sống thiếu lành mạnh cũng như một đời sống lứa đôi nhàm chán.”
Vấn nạn công chúa
Nhân vật thần thoại của phim tên Maui, một á thần trong các truyền thuyết ở vùng nam Thái Bình Dương, cũng bị chỉ trích vì quá to béo và bóp méo hình tượng người Đa Đảo. Nhưng các cô công chúa nhà Disney mới rơi vào tầm ngắm đặc biệt bởi những nhân vật này có ảnh hưởng không hề nhỏ đến tâm trí các bé gái.
“Có những bé mới hai, ba tuổi đã muốn làm công chúa,” Hains nói. “Các em bị ám ảnh và thực sự đồng nhất bản thân mình với những nàng công chúa đó. Hơn nữa các em không thể nào có được mẫu thân hình mà những phim này cho là lý tưởng.”
Hình
tượng nhân vật Maui
Công
chúa Disney luôn đại diện cho những mối lo ngại hay thái độ văn hóa vào thời
điểm phim được phát hành. Những năm 1930 là lúc Walt Disney trình làng Bạch Tuyết, nàng công chúa đầu
tiên. Bạch Tuyết là hiện thân cho quan niệm đang
thịnh hành về phụ nữ thời kì đó: phụ nữ là phải e ấp thẹn thùng, phải thụ động.
Thực tế thì các nhân vật nữ thời kì đầu hay được nhắc đến như Lọ Lem hay Người đẹp Ngủ trong Rừng đều bị coi là những nàng công chúa Disney
yếu đuối nhất vì họ toàn dựa dẫm vào chàng bạch mã hòang tử.Sau Người đẹp Ngủ trong Rừng năm 1959, Disney không có thêm cô công chúa nào đến tận 30 năm sau, khi mà phong trào nữ quyền đã đạt được vài dấu ấn. Kỉ nguyên công chúa sau đó đã thêm vào các yếu tố nữ quyền, cũng như nhiều nét truyền thống hơn. Tỉ dụ như Nàng tiên cá Ariel cũng ít nhiều cho thấy sự độc lập, nhưng đến cuối lại từ bỏ giọng hát để được gần người trong mộng.
Tương tự như vậy, nhân vật Belle trong Người đẹp và Quái vật cũng thể hiện ý chí mạnh mẽ khi không chịu sống theo khuôn mẫu của cộng đồng. Nhưng cô mất đi cá tính của mình từ lúc tiếp nhận thế giới qua góc nhìn của Quái vật.
Không chỉ có phong trào đòi nữ quyền là có ảnh hưởng đến công chúa Disney. Quyền của thổ dân châu Mỹ đã được củng cố trong vòng hai thập kỉ từ giữa những năm 1970 với việc chính phủ thông qua luật bảo vệ quyền và lợi ích của các bộ tộc. Thế là vào năm 1995, Poncahontas xuất hiện. Nàng là công chúa đầu tiên của Disney mang dòng máu da đỏ và được coi là một trong những cô công chúa độc lập nhất từng được tạo ra.
“Pocahontas chắc chắn là một kiểu nhân vật hoàn toàn khác biệt, khác ở chỗ cô không phải được định hình bằng các mối quan hệ yêu đương và cô chủ động hơn rất nhiều. Pocahontas cũng là một trong những công chúa đầu tiên đóng một vai trò tích cực trong việc trị vì.” Lời phát biểu trên là của Megan Codis, trợ giảng môn Tiếng Anh ở Trường đại học Stephen F. Austin State, người đặc biệt quan tâm đến lịch sử các cô công chúa nhà Disney.
Dù vậy Pocahontas không phải là không gây ra tranh cãi. Phim nhận nhiều chỉ trích vì tính dục hóa hình tượng người phụ nữ và bóp méo lịch sử.
Nàng
công chúa da đỏ Pocahontas
Năm
1998 đánh dấu sự ra đời của một cô công chúa gan dạ nữa: Mộc Lan. Hoàn toàn xa lạ với
khái niệm e ấp thẹn thùng, Mộc
Lan trở thành người hùng trong
chính câu chuyện của mình, thậm chí còn mặc giáp xông trận.Thế giới phải chờ mãi đến tận 2009 Disney mới giới thiệu công chúa người Mỹ gốc Phi đầu tiên, đó là Tiana trong Công chúa và Chàng Ếch. Khát vọng của nàng khá khác biệt so với những người trước đó.
“Cô không mơ được cưới hoàng tử và trị vì vương quốc, mà cô ấy mơ được mở nhà hàng”, Codis nói. Nhưng không phải ai cũng tán thành Tiana. “Tôi nghe nhiều người trong cộng đồng gốc Phi phàn nàn rằng lần đầu tiên có một công chúa da màu, thế mà phần lớn thời gian cô ấy lại là một con ếch.” Rebecca Hains nói thêm.
Công
chúa Tiana và hoàng tử Ếch
Nhưng
mặc cho sự xuất hiện của ngày càng nhiều nữ anh hùng mạnh mẽ, họ lại không được
nhắc đến nhiều bằng các công chúa truyền thống, nhất là trong các sản phẩm của
Disney.“Nếu bạn nhìn vào các dòng sản phẩm của Disney, ví dụ như hộp ăn trưa hay áo thun, bạn sẽ thấy Belle, Lọ Lem và Người đẹp ngủ trong rừng hay đứng chung với nhau. Mặc dù về lý thì Pocahontas và Mộc Lan vẫn là công chúa Disney nhưng họ lại rất hiếm khi xuất hiện trên những sản phẩm dạng này.” Codis giải thích.
Chúng ta là một gia đình
Có lẽ cô công chúa hiện đại nhất là Merida trong phim Brave (Công chúa Tóc xù) năm 2012. Điều nổi bật là lần đầu tiên có một phụ nữ đồng đạo diễn và đồng biên kịch một bộ phim hoạt hình công chúa. Merida được xem là thuộc về một nhóm tách biệt trong số các cô công chúa nhà Disney.
“Merida của Brave, Elsa và Anna của Frozen (Nữ hoàng Băng giá), kể cả Rapunzel của Tangled (Công chúa Tóc mây) – tất cả họ đều gan góc hơn, và lý tưởng của họ không nhất thiết có dính dáng đến chuyện yêu đương.” Rebecca Hains chỉ ra.
Poster
phim Frozen
Frozen là bộ phim hoạt hình có doanh thu cao nhất
mọi thời đại, và cách nó tiếp cận tình yêu là đặc biệt đáng ghi nhận. Elsa thì không còn tâm trí nào nghĩ đến chuyện
yêu khi còn bận kiểm soát năng lực siêu nhiên của mình, nhưng Anna đã trải qua một thay đổi lớn. Ban đầu, tình
yêu là mối bận tâm hàng đầu của cô, nhưng chính sự gắn kết giữa hai chị em mới
là động lực giúp phim tiến triển, và cuối cùng lại nổi lên thành ưu tiên số một.
Trong Frozen, tình cảm quan
trọng nhất là tình cảm giữa chị và em, còn chuyện gặp được bách mã hoàng tử chỉ
là phụ.
Nàng
công chúa Elsa trong Frozen
Vài
người đã xem cuộc đấu tranh của Elsa để tìm “cái tôi” và kiểm soát siêu năng lực
là hiện thân của một cái gì hoàn toàn khác. Không ít người thấy Elsa tương đồng với những thiếu niên và người
trưởng thành đánh vật để chấp nhận bản năng giới tính của mình. Có lẽ nào Elsa là công chúa đồng tính nữ đầu tiên của
Disney? Đây cũng là chủ đề của phong trào được Idina Menzel, người lồng tiếng
của nhân vật ủng hộ. Vẫn chưa rõ liệu Disney có biến lời đồn thành sự thật trong
phim Frozen 2 rất được ngóng đợi hay không, nhưng nếu đúng
như vậy thì hẳn sẽ có nhiều tranh luận nổ ra.Những nhà phê bình bảo thủ như Debbie Schlussel cho rằng Disney ngày càng xa rời khỏi những giá trị “nguyên bản và tốt đẹp” của nước Mỹ. “Xã hội của chúng ta đang rạn nứt vì Disney đã và đang cổ xúy nữ quyền”, bà nói thêm.
Mặc dù nhìn chung người hâm mộ có nhận thấy sự tiến bộ của công chúa Disney, họ cũng phải chấp nhận rằng những đặc điểm của các nhân vật gần đây đều là do ảnh hưởng từ bên ngoài chứ bản thân công chúa không tự quyết định sự thay đổi. Ví dụ như, Disney cho ra đời một công chúa chuyển giới vào thời điểm này là rất khó, nếu không muốn nói là việc bất khả thi. Nói thế không phải là không hiện hữu áp lực tạo ra những nàng công chúa đủ các kiểu và thể loại. Năm 2014 còn rộ lên phong trào kêu gọi phải có một công chúa mang hội chứng Down.
Moana và những nàng công chúa trước đó phản ánh những thái độ đang hồi thay đổi của nước Mỹ đối với các vấn đề sắc tộc, giới tính và ứng xử với nhóm thiểu số. Có lẽ Disney muốn cho Moana trở thành biểu tượng của thời đại này: một người phụ nữ can đảm và là sản phẩm của một nước Mỹ đa văn hóa. Nhưng phim được phát hành chỉ vài tuần sau cuộc bầu cử của ông Donald Trump. Điều đó có thể góp phần vào làn sóng phản ứng chống lại sự biến chuyển trong thành phần dân cư của đất nước và sự ủng hộ của truyền thông đối với những nhân tố tự do và cấp tiến. Nếu cuộc bầu cử này là tín hiệu mở màn một kỉ nguyên mới cho Hoa Kỳ, ta có thể chứng kiến công chúa Disney phát triển theo một chiều hướng khác, nhưng không hẳn là mới: xa rời sự đa dạng như những năm nay và quay về với hình tượng nữ chính truyền thống.
Bài
gốc: http://www.bbc.com/culture/story/20161128-the-controversy-behind-disneys-groundbreaking-new-princess
Tác
giả: Tom
Brook
Người
dịch: Bích Hà
Hiệu
đính: Hồng
Sương
Chú
thích:1. Polynesia – Đa Đảo: một phân vùng của châu Đại Dương, nằm ở phía nam Thái Bình Dương, gồm trên 1000 đảo. Dân cư Đa Đảo có nhiều nét tương đồng về văn hóa, ngôn ngữ và tín ngưỡng.
2. Political correctness: nôm na là những cách nói tránh hoặc những chính sách, hành động nhằm tránh phương hại đến một nhóm nào đó trong xã hội. Ví dụ “người da đen” thì gọi là “người da màu”, “người gốc Phi”. Trong bài này “political correctness” ám chỉ ý kiến cho rằng phụ nữ không cần phải mình hạc xương mai mới là đẹp, đòi phá bỏ những khuôn mẫu hình thể áp đặt lên nữ giới.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét