Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2017

Moonlight

Chấm điểm: 4/4.
“Này, anh là ai?”1

Phim chính kịch bấy lâu nay vẫn say sưa với chủ đề bản ngã, nhưng hiếm khi nào vấn đề đó lại được khai thác hùng hồn và đẹp đến thắt lòng như trong tuyệt tác của Barry Jenkins mang tên Moonlight - Ánh Trăng, một trong những phim tính túy do Mỹ sản xuất năm 2016. Moonlight là một bộ phim trữ tình mà vẫn không xa rời khỏi tuyến nhân vật, một sự cân bằng đáng chiêm ngưỡng. Đây là một trong số ít tác phẩm điện ảnh vừa toàn tâm toàn ý tập trung vào nhân vật, mà đồng thời vẫn tạo cảm giác rằng nó đang chạm tới những chủ đề vĩ mô như bản ngã, xu hướng tình dục, gia đình, và trên tất cả, là nam tính. Thế nhưng phim không dạy đời cũng không giáo điều. Nó là một b phim phản ánh những chủ đề sâu sắc, phức tạp đó đầu tiên và trước hết qua hệ thống nhân vật. Phim của Jenkins tự tin ở mọi khía cạnh mà một nhà phê bình có thể dùng từ này để miêu tả. Từng phân đoạn diễn xuất, từng cảnh phim, từng đoạn nhạc, từng khung cảnh ấm áp quen thuộc - đây là một trong những phim hiếm hoi không vướng phải lỗi nào, và đạt tới cao trào không phải bằng cảnh kĩ xảo máy tính hay bằng thắt nút trong kịch bản, mà bằng một cuộc đối thoại thuộc hàng những cảnh xuất sắc nhất trong nhiều năm trời.
Nhân vật chính của “Moonlight” phản ánh sự nam tính đầy mâu thuẫn và bất ổn của thanh niên da màu ở Mỹ, thậm chí ngay trong cách anh được giới thiệu. Bộ phim được phân thành ba chương: “Oắt con”, “Chiron” và “Đen”, ba cái tên cùng chỉ một người mà ta sẽ theo chân từ lúc ấu thơ rồi tuổi thiếu niên đến trưởng thành. Một cậu bé, và sau này là một người đàn ông, chật vật tìm chỗ đứng giữa thế giới; một nhân vật được ghép nối bởi sự diễn xuất của ba diễn viên riêng biệt, đều là những diễn viên tài năng
Phim bắt đầu khi Chiron còn bé (Alex R. Hibbert), bọn bắt nạt ở trường gọi cậu là “Oắt con”. Ta thấy cậu bé đang chạy trốn vào một căn hộ bịt ván kín mít, mong trốn khỏi đám trẻ đang đuổi đánh. Ở đó Oắt con được tìm thấy bởi Juan (vai diễn để đời của Mahershala Ali), tên buôn ma túy địa phương. Juan dẫn cậu bé đi ăn, còn đưa cậu về chỗ của hắn, ở đó cậu gặp bạn gái hắn tên Teresa (Janelle Monáe). Oắt con thích gia đình tạm bợ này. Cha cậu mất rồi, còn mẹ cậu, Paula (Naomie Harris), tình cờ lại là khách hàng ruột của Juan. Juan gần như trở thành người cha thứ hai, nhưng mối quan hệ này không dễ đoán như vậy. Juan nhìn thấy có điều gì đó tốt đẹp ở Chiron và muốn giúp đỡ cậu nhóc ít nói này, dù hắn đang cung cấp món hàng hủy hoại cuộc sống gia đình cậu.
Phim nhảy sang giai đoạn Chiron đang tuổi thiếu niên, đối mặt với sự bắt nạt còn dữ dội hơn và những câu hỏi về xu hướng tình dục. Đó là những năm mà ai ai cũng khoe chiến tích tình trường lừng lẫy, còn một thiếu niên như Chiron (giờ do Ashton Sanders thủ vai) lại vật lộn đi tìm bản thân, nhất là khi giờ đây mọi ảo tưởng về một gia đình bình thường đã tiêu tan. Cậu hoàn toàn tay trắng, tứ cố vô thân, và duy có sự tử tế từ người bạn Kevin (lúc này do Jharrel Jerome đóng) mới mang lại được chút bình yên. Nhưng kể cả điều đó cũng không còn khi mà lòng trắc ẩn thật quá khan hiếm vào thời buổi này, ở nơi này và lứa tuổi này, khi mà người trẻ tin rằng bạo lực chính là câu trả lời giúp xoa dịu họ và cho phép họ hòa nhập.
Cuối cùng, ta gặp Chiron ở tuổi trưởng thành, được thể hiện với sự tinh tế rất ấn tượng bởi Trevante Rhodes. Kevin (giờ là diễn viên André Holland trong phim “The Knick”) tìm đến một Chiron đã rất khác xưa, và mọi chủ đề của phim hòa quyện lại thật âm vang và đầy cảm xúc mà không cần đến độc thoại nội tâm hay nhạc kịch khiên cưỡng. Theo một cách nào đó, “Moonlight” là chuyện đời của một cậu bé bên lề xã hội, một thằng nhóc nhạt nhẽo không ai thèm chơi cùng và cũng chẳng có gia đình ở bên, cứ thế mà tan vào đêm.
Bộ ba diễn xuất tạo nên nhân vật Chiron từ Hibbert, Sanders đến Rhodes đều được Jenkins gọt giũa cẩn thận. Ông đã chỉ đạo rằng họ không cần bắt chước y hệt nhau mà phải chuyển tải được sự trưởng thành. Ta có thể thấy đôi mắt u buồn của cậu bé Chiron vẫn còn phảng phất ở người đàn ông Chiron. “Moonlight” có nguy cơ trở nên rời rạc, đặc biệt khi ba diễn viên cùng đóng một nhân vật, nhưng thật kinh ngạc là phim không hề bị ngắt quãng. Jenkins đã làm việc với các diễn viên để tạo ra sự liền mạch từ chương này sang chương khác, ngay cả khi dàn cast có thay đổi thường xuyên. Ông cũng tìm ra được những màn hóa thân tuyệt vời từ Ali và Harris - hai diễn viên thủ vai những người có ảnh hưởng to lớn nhất trong đời Chiron.
Jenkins cùng đội ngũ quay phim quay hình một Miami ta không thường được thấy, sử dụng bối cảnh rất tài tình, đặc biệt là cách nước và bãi biển giống như một khoảng nghỉ giữa những bộn bề của thế giới. Nhưng “Moonlight” là phim về những mặt người. Đôi mắt của Chiron nói lên bao điều không ai dạy cậu làm sao để diễn tả thành lời. Trẻ, nghèo, đồng tính và gần như không có bạn bè - cậu là kiểu người như chỉ chực tan biến đi vì thật nhạt nhòa lạc lõng giữa dòng đời. Trong những cuộc đối thoại đáng nhớ của “Moonlight” (do Jenkins viết, phóng tác từ vở kịch của Tarell McCraney), Chiron có nói cậu khóc nhiều đến mức cậu có cảm giác mình sẽ tan thành nước mà lăn vào lòng đại dương.
“Moonlight” quả là có lời thoại rất đáng nhớ, nhưng những điều không thốt ra mới thực sự để lại dư âm. Đó là vẻ mặt của một người cha hờ bất hảo khi đứa bé hỏi hắn tại sao những đứa trẻ khác lại chế nhạo nó. Đó là cái liếc mắt lo âu giữa hai người trẻ, biết rằng mối quan hệ này có gì đó khác biệt nhưng xã hội vẫn chưa cho họ được từ ngữ nào để diễn tả nó. Và cảnh cuối cùng - khi mà Jenkins biết rằng ông đã làm xong phần nền móng, giờ tin tưởng vào diễn viên và để cho cảm xúc của những điều chưa nói trở thành cú hích mạnh mẽ, cảnh cuối cùng đó là lúc phim đạt sức công phá cao nhất. Jenkins hiểu một cách sâu sắc rằng chính mối liên kết giữa con người với con người là thứ tạo nên chúng ta, thay đổi con đường ta đi và làm ta trở nên như ngày hôm nay.
Người viết: Brian Tallerico.
Người dịch: Bích Hà.
Hiệu đính: Lê Nguyên Thảo.
Bài gốc: http://www.rogerebert.com/reviews/moonlight-2016


1.         Nguyên gốc là “Who is you, man?”, lời thoại trong phim và sai ngữ pháp có chủ đích.

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2017

Những tranh cãi đằng sau cô công chúa mới mang tính đột phá của Disney

Moana đã tạo nên làn sóng thành công vang dội, nhưng tương lai cho các nữ chính của xưởng phim này sẽ như thế nào?
Cover phim Moana

Moana là một bộ phim đột phá cho Disney, bởi đây là lần đầu tiên xưởng phim này có một cô công chúa đến từ Polynesia – Đa Đảo, nhưng như thế vẫn chưa hết. Nhân vật chính còn sở hữu một thân hình “trung bình” chứ không có vòng eo con kiến hay tay chân dài thượt bất thường như các nàng công chúa trước đó. Khi vừa mới công chiếu ở các rạp, phim đã nhận được nhiều nhận xét tích cực, trong đó tạp chí Slant đã khen ngợi rằng nàng công chúa mới nhất này “không nổi loạn kiểu ích kỷ, cũng không ngây thơ đến mức tưởng cuộc đời toàn màu hồng.”

 Rebecca Hains, tác giả của cuốn “The Princess Problem: Guiding Our Girls through the Princess-Obsessed Years” (tạm dịch là Vấn nạn Công chúa: Hướng dẫn Con gái Chúng ta Vượt qua những Năm bị Công chúa Ám ảnh) nhìn nhận một cách chắc chắn rằng vẻ ngoài của Moana là một sự tiến bộ. Bà nói: “Theo tôi việc này có ý nghĩa rất lớn. Rõ ràng Disney đã biết tiếp thu các ý kiến phê bình. Việc ngày càng có nhiều nữ chính với thân hình trung bình xuất hiện trên màn ảnh là rất quan trọng; và đây là một dấu hiệu tích cực cho thấy Disney đã bắt đầu thực sự lắng nghe những băn khoăn của các bậc phụ huynh.


Thế nhưng Debbie Schlussel, một cây bút bảo thủ và đồng thời là người dẫn talk show lại thấy một Moana đậm người là ví dụ của “political correctness” đi quá xa. Bà nói: “Tôi nghĩ nó (bộ phim) làm các bé gái nghĩ rằng chúng không cần phải có thân hình thon gọn. Nó khiến các em sau này có một lối sống thiếu lành mạnh cũng như một đời sống lứa đôi nhàm chán.” 


Vấn nạn công chúa


Nhân vật thần thoại của phim tên Maui, một á thần trong các truyền thuyết ở vùng nam Thái Bình Dương, cũng bị chỉ trích vì quá to béo và bóp méo hình tượng người Đa Đảo. Nhưng các cô công chúa nhà Disney mới rơi vào tầm ngắm đặc biệt bởi những nhân vật này có ảnh hưởng không hề nhỏ đến tâm trí các bé gái.


“Có những bé mới hai, ba tuổi đã muốn làm công chúa,” Hains nói. “Các em bị ám ảnh và thực sự đồng nhất bản thân mình với những nàng công chúa đó. Hơn nữa các em không thể nào có được mẫu thân hình mà những phim này cho là lý tưởng.


Hình tượng nhân vật Maui
Công chúa Disney luôn đại diện cho những mối lo ngại hay thái độ văn hóa vào thời điểm phim được phát hành. Những năm 1930 là lúc Walt Disney trình làng Bạch Tuyết, nàng công chúa đầu tiên. Bạch Tuyết là hiện thân cho quan niệm đang thịnh hành về phụ nữ thời kì đó: phụ nữ là phải e ấp thẹn thùng, phải thụ động. Thực tế thì các nhân vật nữ thời kì đầu hay được nhắc đến như Lọ Lem hay Người đẹp Ngủ trong Rừng đều bị coi là những nàng công chúa Disney yếu đuối nhất vì họ toàn dựa dẫm vào chàng bạch mã hòang tử.

Sau Người đẹp Ngủ trong Rừng năm 1959, Disney không có thêm cô công chúa nào đến tận 30 năm sau, khi mà phong trào nữ quyền đã đạt được vài dấu ấn. Kỉ nguyên công chúa sau đó đã thêm vào các yếu tố nữ quyền, cũng như nhiều nét truyền thống hơn. Tỉ dụ như Nàng tiên cá Ariel cũng ít nhiều cho thấy sự độc lập, nhưng đến cuối lại từ bỏ giọng hát để được gần người trong mộng.


Tương tự như vậy, nhân vật Belle trong Người đẹp và Quái vật cũng thể hiện ý chí mạnh mẽ khi không chịu sống theo khuôn mẫu của cộng đồng. Nhưng cô mất đi cá tính của mình từ lúc tiếp nhận thế giới qua góc nhìn của Quái vật.


Không chỉ có phong trào đòi nữ quyền là có ảnh hưởng đến công chúa Disney. Quyền của thổ dân châu Mỹ đã được củng cố trong vòng hai thập kỉ từ giữa những năm 1970 với việc chính phủ thông qua luật bảo vệ quyền và lợi ích của các bộ tộc. Thế là vào năm 1995, Poncahontas xuất hiện. Nàng là công chúa đầu tiên của Disney mang dòng máu da đỏ và được coi là một trong những cô công chúa độc lập nhất từng được tạo ra.


Pocahontas chắc chắn là một kiểu nhân vật hoàn toàn khác biệt, khác ở chỗ cô không phải được định hình bằng các mối quan hệ yêu đương và cô chủ động hơn rất nhiều. Pocahontas cũng là một trong những công chúa đầu tiên đóng một vai trò tích cực trong việc trị vì.” Lời phát biểu trên là của Megan Codis, trợ giảng môn Tiếng Anh ở Trường đại học Stephen F. Austin State, người đặc biệt quan tâm đến lịch sử các cô công chúa nhà Disney.


Dù vậy Pocahontas không phải là không gây ra tranh cãi. Phim nhận nhiều chỉ trích vì tính dục hóa hình tượng người phụ nữ và bóp méo lịch sử.

Nàng công chúa da đỏ Pocahontas
Năm 1998 đánh dấu sự ra đời của một cô công chúa gan dạ nữa: Mộc Lan. Hoàn toàn xa lạ với khái niệm e ấp thẹn thùng, Mộc Lan trở thành người hùng trong chính câu chuyện của mình, thậm chí còn mặc giáp xông trận.

Thế giới phải chờ mãi đến tận 2009 Disney mới giới thiệu công chúa người Mỹ gốc Phi đầu tiên, đó là Tiana trong Công chúa và Chàng Ếch. Khát vọng của nàng khá khác biệt so với những người trước đó.


“Cô không mơ được cưới hoàng tử và trị vì vương quốc, mà cô ấy mơ được mở nhà hàng”, Codis nói. Nhưng không phải ai cũng tán thành Tiana. “Tôi nghe nhiều người trong cộng đồng gốc Phi phàn nàn rằng lần đầu tiên có một công chúa da màu, thế mà phần lớn thời gian cô ấy lại là một con ếch.” Rebecca Hains nói thêm.

Công chúa Tiana và hoàng tử Ếch
Nhưng mặc cho sự xuất hiện của ngày càng nhiều nữ anh hùng mạnh mẽ, họ lại không được nhắc đến nhiều bằng các công chúa truyền thống, nhất là trong các sản phẩm của Disney.

“Nếu bạn nhìn vào các dòng sản phẩm của Disney, ví dụ như hộp ăn trưa hay áo thun, bạn sẽ thấy Belle, Lọ Lem và Người đẹp ngủ trong rừng hay đứng chung với nhau. Mặc dù về lý thì Pocahontas và Mộc Lan vẫn là công chúa Disney nhưng họ lại rất hiếm khi xuất hiện trên những sản phẩm dạng này.” Codis giải thích.


Chúng ta là một gia đình


Có lẽ cô công chúa hiện đại nhất là Merida trong phim Brave (Công chúa Tóc xù) năm 2012. Điều nổi bật là lần đầu tiên có một phụ nữ đồng đạo diễn và đồng biên kịch một bộ phim hoạt hình công chúa. Merida được xem là thuộc về một nhóm tách biệt trong số các cô công chúa nhà Disney.


“Merida của Brave, Elsa  Anna của Frozen (Nữ hoàng Băng giá), kể cả Rapunzel của Tangled (Công chúa Tóc mây) – tất cả họ đều gan góc hơn, và lý tưởng của họ không nhất thiết có dính dáng đến chuyện yêu đương.” Rebecca Hains chỉ ra.


Poster phim Frozen
Frozen là bộ phim hoạt hình có doanh thu cao nhất mọi thời đại, và cách nó tiếp cận tình yêu là đặc biệt đáng ghi nhận. Elsa thì không còn tâm trí nào nghĩ đến chuyện yêu khi còn bận kiểm soát năng lực siêu nhiên của mình, nhưng Anna đã trải qua một thay đổi lớn. Ban đầu, tình yêu là mối bận tâm hàng đầu của cô, nhưng chính sự gắn kết giữa hai chị em mới là động lực giúp phim tiến triển, và cuối cùng lại nổi lên thành ưu tiên số một. Trong Frozen, tình cảm quan trọng nhất là tình cảm giữa chị và em, còn chuyện gặp được bách mã hoàng tử chỉ là phụ.
Nàng công chúa Elsa trong Frozen
Vài người đã xem cuộc đấu tranh của Elsa để tìm “cái tôi” và kiểm soát siêu năng lực là hiện thân của một cái gì hoàn toàn khác. Không ít người thấy Elsa tương đồng với những thiếu niên và người trưởng thành đánh vật để chấp nhận bản năng giới tính của mình. Có lẽ nào Elsa là công chúa đồng tính nữ đầu tiên của Disney? Đây cũng là chủ đề của phong trào được Idina Menzel, người lồng tiếng của nhân vật ủng hộ. Vẫn chưa rõ liệu Disney có biến lời đồn thành sự thật trong phim Frozen 2 rất được ngóng đợi hay không, nhưng nếu đúng như vậy thì hẳn sẽ có nhiều tranh luận nổ ra.

Những nhà phê bình bảo thủ như Debbie Schlussel cho rằng Disney ngày càng xa rời khỏi những giá trị “nguyên bản và tốt đẹp” của nước Mỹ. “Xã hội của chúng ta đang rạn nứt vì Disney đã và đang cổ xúy nữ quyền”, bà nói thêm.


Mặc dù nhìn chung người hâm mộ có nhận thấy sự tiến bộ của công chúa Disney, họ cũng phải chấp nhận rằng những đặc điểm của các nhân vật gần đây đều là do ảnh hưởng từ bên ngoài chứ bản thân công chúa không tự quyết định sự thay đổi. Ví dụ như, Disney cho ra đời một công chúa chuyển giới vào thời điểm này là rất khó, nếu không muốn nói là việc bất khả thi. Nói thế không phải là không hiện hữu áp lực tạo ra những nàng công chúa đủ các kiểu và thể loại. Năm 2014 còn rộ lên phong trào kêu gọi phải có một công chúa mang hội chứng Down.


Moana và những nàng công chúa trước đó phản ánh những thái độ đang hồi thay đổi của nước Mỹ đối với các vấn đề sắc tộc, giới tính và ứng xử với nhóm thiểu số. Có lẽ Disney muốn cho Moana trở thành biểu tượng của thời đại này: một người phụ nữ can đảm và là sản phẩm của một nước Mỹ đa văn hóa. Nhưng phim được phát hành chỉ vài tuần sau cuộc bầu cử của ông Donald Trump. Điều đó có thể góp phần vào làn sóng phản ứng chống lại sự biến chuyển trong thành phần dân cư của đất nước và sự ủng hộ của truyền thông đối với những nhân tố tự do và cấp tiến. Nếu cuộc bầu cử này là tín hiệu mở màn một kỉ nguyên mới cho Hoa Kỳ, ta có thể chứng kiến công chúa Disney phát triển theo một chiều hướng khác, nhưng không hẳn là mới: xa rời sự đa dạng như những năm nay và quay về với hình tượng nữ chính truyền thống.


Bài gốc: http://www.bbc.com/culture/story/20161128-the-controversy-behind-disneys-groundbreaking-new-princess 
Tác giả: Tom Brook
Người dịch: Bích Hà
Hiệu đính: Hồng Sương
Chú thích:
1. Polynesia – Đa Đảo: một phân vùng của châu Đại Dương, nằm ở phía nam Thái Bình Dương, gồm trên 1000 đảo. Dân cư Đa Đảo có nhiều nét tương đồng về văn hóa, ngôn ngữ và tín ngưỡng. 
2. Political correctness: nôm na là những cách nói tránh hoặc những chính sách, hành động nhằm tránh phương hại đến một nhóm nào đó trong xã hội. Ví dụ “người da đen” thì gọi là “người da màu”, “người gốc Phi”. Trong bài này “political correctness” ám chỉ ý kiến cho rằng phụ nữ không cần phải mình hạc xương mai mới là đẹp, đòi phá bỏ những khuôn mẫu hình thể áp đặt lên nữ giới.




Thứ Ba, 7 tháng 2, 2017

Monster Trucks – Không mới nhưng vẫn thú vị

       Không phải ngẫu nhiên, cứ vào dịp Tết, mọi người thường có xu hướng đi xem phim hài. Một suất phim Tết mang lại những tràng cười sảng khoái chính là sự chào đón đầy hứng khởi cho một năm mới bắt đầu. Trong số những bộ phim điện ảnh ra rạp vào dịp Tết Nguyên Đán năm nay, Monster Trucks là một bộ phim đáng xem dành cho khán giả.
Hình ảnh nhân vật Tripp và Creech đáng yêu


Những chiếc xe tải quái vật (Monster Trucks) không hẳn là một bộ phim hài, nó thuộc hàng ngũ những thước phim hành động của hãng Paramount Pictures như các “bậc đàn anh đàn chị của nó” là Aliied (Liên Minh Sát Thủ) hay Saving Private Ryan (Giải cứu binh nhì Ryan). Dù vậy, chất hài hước, nét đáng yêu của từng nhân vật cứ bàng bạc trong từng pha hành động khiến cho Monster Trucks trở thành món ăn tinh thần vô cùng thú vị cho gia đình, bạn bè cùng nhau thưởng thức trong dịp Tết đến xuân về.


Bộ phim là câu chuyện xoay quanh anh chàng Tripp (thủ vai bởi “X-men” Lucas Till), một cậu học sinh trung học ít nói với ước mơ sở hữu một chiếc monster truck để thỏa khao khát rời khỏi cuộc đời hiện tại và thị trấn mình sinh ra. Một ngày nọ, sau khi xảy ra tai nạn ở gần mỏ dầu, Tripp đã phát hiện có một sinh vật kì lạ trốn trong chiếc xe tải đang-thiếu-động-cơ của mình. Anh đặt tên cho sinh vật này là Creech và nhờ những chức năng kì lạ của nó, chiếc xe tải của Tripp đã trở thành một chiếc monster truck theo đúng nghĩa đen. 

Poster phim Monster Trucks
Một cách nhìn chân phương và tổng quát nhất, Monster Trucks có cốt truyện đơn giản, mô típ quen thuộc, vẫn là một anh chàng cùng với một cô nàng phát hiện ra một sinh vật kì bí, sau đó ra sức bảo vệ “người bạn mới ấy” khỏi báo giới, hoặc không báo giới thì cũng là những kẻ săn tiền thưởng hay các nhà khoa học với mục đích tiến hành các thí nghiệm trên sinh vật lạ. Nhiệm vụ cuối cùng của đôi nhân vật chính là đưa “người bạn bí ẩn” kia trở về nhà của nó. Sự giản đơn, hao hao này có thể gây nhàm chán cho các tín đồ phim hành động, nhưng đây cũng có thể là một điểm cộng cho Monster Trucks vì nó dễ hiểu, gần gũi, phù hợp với khán giả đại trà.

 Ấn tượng nhất trong  bộ phim có lẽ là nhân vật Creech - người bạn đến từ “thế giới ngầm”. Có thể nói, trong suốt bộ phim, đây chính là “diễn viên” biết lấy lòng khán giả nhất. Những thước phim mở đầu cho sự xuất hiện của Creech đã cố tình đẩy người xem đến nghi ngờ liệu đây có phải là một siêu phẩm kinh dị, bởi Creech thoắt ẩn thoắt hiện, loằn ngoằn với những xúc tu khổng lồ, nhầy nhụa và phát ra những thanh âm rùng rợn. Nhưng từ khi sinh vật lạ ấy lộ diện – “hiện nguyên hình” thì khán giả không thể nào rời mắt khỏi những phân đoạn của nó. Từ ánh mắt, nụ cười, cho đến các cử chỉ, hành động của Creech đều vô cùng đáng yêu, dễ thương khó đỡ. Creech giống như em bé vậy, một em bé to xác, nghịch ngợm và hồn nhiên. Nét li kì là “em bé” này sở hữu một trí tuệ ưu việt cùng với siêu năng lực đáng gờm. Trên phương diện tạo hình nhân vật, tôi cho rằng chủng loại của Creech là sự kết hợp giữa hải cẩu và bạch tuộc. Sự thông minh đến kì diệu của hai loài vật này đã được khoa học kiểm chứng, điều này có lẽ phần nào lý giải cho trí thông minh của Creech. 
Tình bạn đẹp của hai nhân vật chính
     Mặt khác, khán giả vẫn cảm thấy hơi tiếc vì mình đã chọn suất chiếu 2D chứ không phải là 3D. Một cuộc đua xe tải với những pha rượt đuổi gay cấn, những chiếc xe tải quái vật với màn nhào lộn trên không khiến người xem phải há hốc, hay những tình thế nguy hiểm - ngàn cân treo sợi tóc, đặc biệt ở phần cuối phim, tất cả những thước phim ấy, nếu được xem dưới hình thức 3D thì chắc chắn sự hào hứng, say mê còn tăng lên gấp bội. Nếu đem Monster Trucks và xXx: The Return of Xander Cages lên bàn cân để đo mức độ đậm đặc các pha hành động thì những chiếc xe tải quái vật vẫn chưa đủ “máu” nhưng bộ phim đã làm tốt phần kĩ xảo và đan cài những tình huống bi hài khó đỡ giữa các nhân vật, đủ để mang lại những phút giây giải trí thú vị cho người xem.
Những pha hành động hấp dẫn trong Monster Trucks
Hơn nữa, bộ phim được đánh giá cao những thông điệp mà bộ phim gửi gắm. Có rất nhiều thứ tình cảm được gợi ra từ Monster Trucks, là tình bạn tự nhiên mà chân thành giữa Creech với Tripp hay giữa Tripp với cô bạn đồng hành Meredith ( do Jane Levy thủ vai). Tình cha con giữa Tripp và người cha dượng, hay tình yêu với thiên nhiên, sinh vật và bảo vệ môi trường cũng được đề cập đến. Dường như vì thế mà Monster Trucks gợi cho nhiều người liên tưởng đến bộ phim hoạt hình How to Train Your Dragon (Bí kíp luyện rồng). Diễn biến phim và kết thúc khác nhau, nhưng giữa hai bộ phim có nhiều nét tương đồng, đặc biệt là tạo hình nhân vật, nhất là Creech - “cậu bé” Creech có nụ cười ngộ nghĩnh và nét tính cách y hệt chú rồng Răng sún. Những tình cảm mà nhân vật mang trong mình, khiến cho cả hai bộ phim dù thuộc thể loại phiêu lưu, hành động nhưng vẫn có chiều sâu tâm lý. Trở lại với Monster Trucks, khoảnh khắc nhà khoa học Dowd ( do Thomas Lennon thủ vai) thay đổi tâm lý, suy nghĩ, có ý kiến cho rằng đó là sự vội vàng, thiếu logic. Nhưng cũng có ý kiến hoàn toàn đồng ý với cách giải quyết vấn đề như thế, nó cho thấy dù cái xấu có lớn, nhưng theo thời gian tiếp xúc với những điều tốt đẹp, đáng mến, dễ thương thì sự xấu xa sẽ bị cái tốt đẹp, dễ thương ấy quy phục. Đó cũng là niềm tin mà mỗi con người cần có trong cuộc đời khi đối mặt với điều xấu.

Phải nói rằng đạo diễn Chris Wedge đã thành công trong việc phát triển Monster Trucks từ dự án phim hoạt hình thành live-action. Và bây giờ, dù bộ phim được hoàn tất với bản người đóng thì nó vẫn được dựng bởi đạo diễn hoạt hình Ice Age (Kỉ Băng Hà), sống động hơn, gay cấn hơn nhưng vẫn giữ được chất nhẹ nhàng, thư giãn vốn có. Những chiếc “ xế hộp” cực ngầu khi được nhồi nhét bên trong là con quái vật nhầy nhụa, nhiều xúc tu... Cùng những pha hành động xen lẫn hài hước cùng những tình cảm đáng quý, đáng trân trọng…

    
      Ivy
    







Thứ Năm, 2 tháng 2, 2017

Trò chơi đời người trong bộ phim Bao giờ cho đến tháng mười


Bao giờ cho đến tháng mười
 là một câu chuyện bi kịch. Được đánh giá cao cả về nghệ thuật và tư tưởng, bộ phim thực sự chạm đến những tầng xúc cảm sâu xa của người xem. Tuy nhiên, vấn đề đáng chú ý là những điểm nhấn nghệ thuật của bộ phim, những trường đoạn lấy nước mắt khán giả, hầu như đều được xây dựng và tổ chức trong hình thức của trò chơi. Trò chơi, đó là những bức tranh màu và khẩu súng nhựa hồn nhiên của Tuấn, là con diều của chồng Duyên, nhưng sâu xa hơn, đó cũng là sự “đóng kịch” của Duyên, hay sự giả trang của Khang vào vai người đã khuất. Trò chơi ở đây cần được hiểu là một cấu trúc thẩm mỹ kiến tạo nên tình huống và dẫn dắt diễn tiến cốt truyện theo một mạch xuyên suốt. Từ những ý tưởng đó, bài viết này sẽ thử đi vào tìm hiểu ý nghĩa của tác phẩm điện ảnh kinh điển, Bao giờ cho đến tháng mười, từ góc nhìn của lý thuyết trò chơi.


Trò chơi trong Bao giờ cho đến tháng mười không phải là một cái gì đối lập với bi kịch, mà ngược lại, trở thành phương thức tồn tại và vận hành của bi kịch. Trò chơi, đó không chỉ là cái trạng huống trớ trêu mà số phận dồn đẩy con người vào – không phải là con người hoàn toàn “bị chơi”, thật ra, vấn đề ở đây là con người đã tự kiến tạo nên luật chơi và tự tham gia vào trò chơi đời mình một cách vừa bất đắc dĩ vừa tự nguyện. Từ trò bắn súng thả diều của đứa trẻ (Tuấn) đến trò hóa thân, đóng vai và diễn kịch của người lớn (Duyên và Khang) mặc dù khác nhau về nội hàm nhưng vẫn chỉ là một hình thái. Vẫn là lựa chọn, rồi dấn thân, rồi hòa mình vào cái trật tự giả định; và cho đến cuối cùng, vẫn là hư cấu nên một thực tại khác tách biệt với cái hiện thực nghiêm túc bên ngoài. Sự phối kết sâu sắc giữa trò chơi và bi kịch là một điểm nhấn đặc biệt trong bộ phim – chính tại đó, các nhân vật, dù vô tình hay hữu ý, đã bộc lộ rõ nhất thân phận, bản chất và vẻ đẹp của mình.

Nữ diễn viên Lê Vân trong vai Duyên

Trò chơi đầu tiên được tạo ra là trò đóng vai. Mọi thứ bắt đầu khi Duyên quyết định giấu mọi người trong gia đình và thôn xóm sự thật về cái chết của chồng mình. Kể từ đó, Duyên vào vai người vợ có chồng đi chiến đấu xa (chứ không phải là một góa phụ). Kể từ đó, cô liên tục tạo ra những sự kiện để duy trì cái thực tại hư cấu về sự hiện hữu của chồng mình. Những món quà mang về từ Tây Nguyên, những tin tức của chồng, những bức thư… tất cả đều là sự “bịa đặt” của Duyên, nhằm nuôi dưỡng niềm tin của mọi người cũng như niềm hy vọng hư ảo của cô. Duyên sống hai đời sống, mà cái nào cũng nhập nhằng hư thực: một bên là đời sống bên ngoài với gia đình và hàng xóm – nơi cô phải đeo mặt nạ để nhập vai; một bên là đời sống nội tâm – nơi cô cởi bỏ những gồng gánh để trực diện với mất mát. Trò chơi này, một cách tất yếu, dẫn đến hai hiệu ứng trái ngược đối với Duyên và những người trong gia đình cô: bi kịch – dành cho người biết, và thanh thản – dành cho người không biết. Chỉ có khán giả là kẻ duy nhất đứng từ bên ngoài nhìn thấu toàn bộ cái cục diện trớ trêu và bi đát của các nhân vật.

Trò chơi thứ hai là sự hóa thân của Khang vào vai chồng Duyên. Được Duyên nhờ vả, Khang tự đặt mình vào vị thế của người chồng để viết thư gửi về cho gia đình Duyên –  trò chơi đó không đơn thuần chỉ là một sự sắm vai, mà phải là sự thấu nhập và hiểu biết sâu xa về thân phận của nhau để có thể “trở thành nhau” một cách trọn vẹn. Khang, trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, đã “từ bỏ” bản thân mình để sống sự sống của một người quá cố. Bức thư của Khang đã hoàn thành sứ mệnh của nó trong việc đáp ứng nỗi mong mỏi tin tức của gia đình và làng xóm, nhưng một lần nữa, tính hai mặt của hoàn cảnh đã phơi bày sự đối nghịch giữa Duyên và đám đông những người đọc thư. Cảnh Duyên đứng nấp sau cánh cửa nghe nội dung bức thư dễ gợi lên những phức cảm: cô đang bàng hoàng ngơ ngẩn với sự hiện hữu trở lại của chồng, hay đang tuyệt vọng với cái nhận thức thấm thía về nỗi mất mát không thể cứu vãn mà chỉ mình cô là người hiểu rõ?

Một cảnh trong phim "Bao giờ cho đến tháng mười"

Trường đoạn đáng chú ý nhất, và cũng mang tính trò chơi cao độ nhất, là trường đoạn vở chèo trong hội làng. Duyên đóng vai người thiếu phụ tiễn chồng ra trận. Tính chất song trùng giữa số phận của Duyên và người thiếu phụ trong vở chèo đã tạo nên một tình thế bi kịch giữa chân và ngụy, rằng đâu là bản thể của con người – là kẻ đang ca hát đấy hay là kẻ đang tiễn đưa chồng, là kẻ đang đóng vai hay là kẻ được đóng vai? Có thể nói, ở đây, Duyên đóng thêm một lớp kịch nữa chồng lên lớp kịch do chính cô tạo ra ngay từ đầu, và rằng Duyên đã đóng kịch trong đời thực nhưng đã sống thực trong vở kịch – chính ở cái tình huống tới hạn này, toàn bộ nông nỗi của nhân sinh chợt vụt hiện trong khoảnh khắc. Như một câu nói của Charles Chaplin, “Cuộc đời nhìn gần là bi kịch, nhìn xa là hài kịch”, ta thấy thâu tóm lại trong trường đoạn này tất cả cái tấn kịch nghệ bi thảm của người quá phụ trẻ. Duyên không diễn được đến hết vở chèo – bởi vai diễn người thiếu phụ trong vở chèo đối với cô đã không còn là một vai diễn. Sự đối nghịch giữa tâm trạng đau đớn của Duyên và sự vui vẻ của đám đông khán giả bên dưới cho thấy cái khoảng cách thăm thẳm của kịch và đời, của sự thật và sự giả trang.

Phiên chợ âm dương lại là một cuộc chơi khác. Đó vốn là một lễ hội truyền thống của làng bắt nguồn từ một truyền thuyết cổ xưa, rằng vào ngày rằm tháng bảy hằng năm, bên miếu thờ Thành Hoàng người sống và người chết sẽ có cơ hội được gặp mặt nhau. Trường đoạn này, Duyên gặp lại chồng cô, nhưng hai người không thể chạm vào nhau. Cái khoảng cách ngắn ngủi giữa hai bàn tay cũng là khoảng cách vô tận giữa hai cõi giới. Phiên chợ diễn ra không rõ mơ hay thực, nhưng xét đến cùng nó cũng mang bóng dáng của một trò chơi đuổi bắt vô vọng – trong đó Duyên, kẻ theo đuổi, dường như mãi không thể nào “bắt” được hạnh phúc. Trò đuổi bắt diễn ra trong một tình thế mất cân đối: Duyên gần như bị “lọt thỏm” trong bóng tối, với phông nền ẩn hiện phía xa là tầng tầng lớp lớp những đóa hoa đăng trôi nổi – biểu tượng của vô số những linh hồn chết trận.


Toàn bộ bộ phim là một trò chơi lớn giữa cái biết và không biết, giữa sự thật và hư cấu, giữa sống và chết, âm và dương. Điều hiện diện xuyên suốt và còn lại sau cùng trong chuỗi trò chơi bất tận ấy là tình yêu thương của con người. Giây phút người cha trút hơi thở cuối cùng cũng là giây phút mọi trò chơi chấm dứt – tiếng nấc nghẹn của Duyên, “Con có lỗi với bố! Con đã giấu bố!” trở thành âm thanh chung cuộc đóng lại tất cả. Tuy vậy, kìm nén và chịu đựng đã trở thành một bản năng quá sâu sắc của người phụ nữ, nên lẽ ra trong thời khắc không còn gì để che giấu (khi người cha đã chết và khi những người bộ đội đã đến nhà để đưa tin báo tử), Duyên phải được trút xả toàn bộ nỗi đau đớn dồn ứ bấy lâu của cô, thì cái mà chúng ta trông thấy, và nghe thấy, là hành động đưa tay ôm mặt và tiếng khóc rấm rứt không bung thoát ra được của Duyên. Cái chết của người chồng đẩy Duyên vào tình thế phải “chơi”, và cái chết của người cha khép lại cuộc chơi tréo ngoe đó để mở ra một sự sống mới – ngày đó Tuấn, con Duyên, bắt đầu theo bạn bè đến lớp, ngày đó cũng là ngày các nhân vật bắt đầu nhìn cuộc sống bằng nụ cười và giọt nước mắt thấu hiểu và rất đỗi chân thành.


Hồng Sương