Thứ Ba, 18 tháng 7, 2017

CÔ GÁI ĐẾN TỪ HÔM QUA – vết mực, chuyến xe và những cánh phượng trong trang vở

Những vết mực ngày hôm qua vẫn còn thơm nồng trên tà áo. Những chuyến xe ký ức vẫn đi và về giữa hai bờ nhớ thương. Những cánh phượng bồi hồi hoá thành chú bướm đỏ, chờ đợi cô gái đến từ hôm qua. 


Một ngày nọ, tình cờ giở lại những trang lưu bút ngày xanh, những cuốn sổ bí mật, những quyển vở còn loang màu mực tím, bất chợt hai dòng lệ chực trào. Không phải chỉ cần sống hết mình cho hiện tại, người ta sẽ không nuối tiếc bất kỳ điều gì vì những ký ức đẹp đẽ như “những cây phượng đã trổ hoa trước sân mà Tiểu Li chưa kịp chạm vào khi rời đi”. Và trong nỗi trống vắng mênh mông của cuộc sống, con người sẽ luôn tự hỏi, biết bao giờ ta mới chạm  được vào ký ức của chính ta. Như một chuyên gia cất giữ tuổi trẻ, Phan Gia Nhật Linh đã trở lại cùng với bộ phim “Cô gái đến từ hôm qua” để giúp chúng ta giải đáp thắc mắc đó.

Những ai đã đọc Cô gái đến từ hôm qua của Nguyễn Nhật Ánh và xem phim của Phan Gia Nhật Linh sẽ đều nhận thấy bộ phim chính là sự hồi đáp thú vị dành cho tác phẩm văn chương. Theo chia sẻ của đạo diễn, bối cảnh phim lùi lại 10 năm so với truyện để anh được thoải mái đưa vào đấy tất cả những trải nghiệm của bản thân mình nói riêng, của thế hệ 7X, 8X nói chung. Bộ phim là những kỷ niệm học trò ở lớp 12A3, ở trường Nguyễn Hiền, ở rạp chiếu phim Quốc Tế, ở chương trình Làn sóng xanh, ở những ca khúc nổi tiếng một thời như: Tình thơ, Phượng Hồng, Tình thôi xót xa, Người ta nói...Mặc dù thoát khỏi sự ràng buộc của những con chữ trên trang sách nhưng tinh thần mộng mơ, trong trẻo của câu chuyện vẫn được đạo diễn chuyển tải nguyên vẹn. Thú vị hơn, đạo diễn còn tỏ ra là một người rất say mê truyện Nguyễn Nhật Ánh khi bắt buộc người xem liên văn bản đến những tác phẩm khác của nhà văn bằng hình ảnh như: Mắt biếc, Nữ sinh, Tôi là Bê Tô, Bàn có năm chỗ ngồi, Những chàng trai xấu tính, Ngồi khóc trên cây...



Việt An bước vào lớp trong một khu vườn ngập tràn sắc xanh, chàng Thư thơ thẩn bỗng hoá thành một con ong vàng óng lao đến hút mật. Việt An đưa quyển truyện của Aimatov và bắt Thư thơ thẩn thức trắng đêm đọc, cậu bỗng lao mình xuống dòng nước khi văn chương và cảm xúc hoà quyện vào nhau. Tất cả những kỹ xảo trong phim không đơn thuần tạo ra không khí lãng mạn hay điểm xuyết tác phẩm mà còn hài hước hoá giấc mơ của nhân vật. Tuy nhiên, kỹ xảo xuất hiện trong đoạn cuối của phim có phần hơi thái quá khi nhân vật hoá thân thành con chim bay đi. Điều này vô tình làm gián đoạn mạch cảm xúc của người xem vốn đang được đong đầy trước đó. Mang kỹ xảo để làm mới bộ phim có không khí hoài cổ là một thách thức không hề nhỏ cho nhà làm phim bởi kỹ xảo có thể thu hút khán giả 9X,10X nhưng sẽ khó được các khán giả lớn tuổi hơn chấp nhận. Những gì mộc mạc, hồn nhiên có lẽ sẽ tạo ra được không khí của những năm 1997 nhiều hơn. 

"Việt An đưa quyển truyện của Aimatov và bắt Thư thơ thẩn thức trắng đêm đọc..."
Nếu điện ảnh được hiểu theo một cách đơn giản nhất là nghệ thuật của những hình ảnh chuyển động và âm thanh thì “Cô gái đến từ hôm qua” đã thể hiện khái niệm ấy một cách xuất sắc. Yếu tố hợp lý, tính nhân quả trong tự sự và nghệ thuật dàn cảnh thường bị nhiều bộ phim Việt Nam lơ là đã được Phan Gia Nhật Linh chăm chút tỉ mỉ, chu đáo. Khi nhân vật yêu, xung quanh đâu đâu cũng có những cặp đôi tay trong tay dạo bước, trong lớp học cũng là giờ giảng những bài thơ tình. Khi nhân vật thất tình, cậu ta đi ngang qua poster phim “Vị đắng tình yêu”. Khi nhân vật bị bỏ rơi giữa đồng không mông quạnh, người tài xế mở trích đoạn cải lương Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà. Khi Việt An đến nhà Thư, hai con chim bồ câu đứng cùng nhau trên mái nhà. Khi Tiểu Li rời đi, cơn mưa càng trút xuống nặng hạt hơn phủ mờ lên tầm nhìn của nhân vật. Khi những đứa trẻ ngồi chơi, con chó, con gà cũng đuổi bắt nhau khiến khuôn hình trở nên vô cùng sinh động. Khi Thư thất thểu bước đi, ca khúc Ngồi hát đỡ buồn vang lên tạo thành điểm nhấn của bộ phim, vừa phản ánh đúng tâm trạng của nhân vật vừa tạo ra chất mới cho phim, một sự hoà trộn giữa chất hoang dã của đồng quê phương Tây và chất ngọt ngào của đồng quê Việt Nam. Cách xử lý các bài hát trong phim cho thấy tư duy mới mẻ của đạo diễn theo xu thế làm phim mới của thế giới mà “La La land” là một đại diện tiêu biểu. Việc lồng các ca khúc này vào tưởng tượng của nhân vật sẽ khiến người xem cảm thấy dễ chịu và chấp nhận được sự hợp lý đến phi lý của nó. Làm phim hoài cổ bằng không khí xưa cũ không thôi không khó, làm phim hoài cổ bằng chất hiện đại, mới mẻ để bộ phim không bị “sến” như nhiều phim Việt Nam trước đó mới là khó. Có lẽ đây chính là điều mà Phan Gia Nhật Linh tìm tòi và thách thức bản thân mình. 


Trong các đạo diễn phim Việt Nam hiện nay, Phan Gia Nhật Linh vẫn là nhà làm phim hàng đầu về chỉ đạo diễn xuất. Tất cả các diễn viên từ chính đến phụ, từ lớn, đến nhỏ trong “Cô gái đến từ hôm qua” đều thể hiện rất tốt vai diễn của mình. Hơi tiếc là hai diễn viên chính, nhất là Ngô Kiến Huy có gương mặt chững chạc so với tuổi học sinh cấp ba nên bộ phim mất đi chất tươi mới và sự ngây thơ cần có của nhân vật dù Ngô Kiến Huy vẫn diễn xuất sắc và trẻ hơn tuổi thật của mình. Không phải Phan Gia Nhật Linh không lường trước điều này. Đạo diễn chia sẻ, anh đã từng đau đầu vì cả tháng trời casting mà vẫn không tìm được diễn viên có diễn xuất ưng ở lứa ý tuổi 17,18 nên đành phải quay về lựa chọn diễn viên có tuổi đời lớn hơn tuổi nhân vật, một lựa chọn tưởng chừng an toàn lại thành ra không an toàn. Hai diễn viên nhí Minh Khang và Hà Mi lại làm cho bộ phim trở nên vô cùng dễ thương bởi diễn xuất tự nhiên của mình. Câu chuyện xúc động của Tiểu Li và Thư nhỏ được dựng song song và mượt mà tôn lên sự thú vị cho câu chuyện hài hước của Việt An và Thư lớn. 

"Hai diễn viên nhí Minh Khang và Hà Mi lại làm cho bộ phim trở nên vô cùng dễ thương bởi diễn xuất tự nhiên của mình"

Những lọ mực chấm chung, những vạch kẻ phân chia ranh giới trên bàn học, những viên bi của thuở ấu thơ gói mộng mơ vào ký ức. Chiếc xe chia cách bởi màn mưa ngày hôm qua hoá thành chiếc xe được tôn lên bởi ánh sáng và tông màu đỏ ấm áp ngày hôm nay khiến người xem cảm thấy nhân vật dù đi một mình cũng sẽ không cô độc. Vết mực đóng dấu ký ức, tuổi học trò đóng dấu những ngày xanh. Gấp lại trang sách của Nguyễn Nhật Ánh, thẩn thờ trước màn ảnh khi phim của Phan Gia Nhật Linh kết thúc, ta thấy lại đâu đó những ngày tháng cũ và những người mà mình từng rung động, những chàng trai, cô gái đến từ hôm qua.



P/s: Mình hoàn toàn đồng ý với nhận định của một người bạn trên FB: “Đây là phim VN tốt nhất từ đầu năm đến nay”. Phim ra rạp bắt đầu từ ngày 21/7/2017.



TS. Đào Lê Na

Thứ Ba, 11 tháng 7, 2017

Baby Driver - Quái xế Baby


Chấm điểm: 3,5/4


Baby là một gã trai tự hòa âm phối khí cuộc đời mình. Cậu thu âm những đoạn đối thoại xung quanh (thường là xung quanh chứ hiếm khi nào bao gồm cả cậu) trên một chiếc máy cát-xét mini cổ lỗ sĩ, rồi dùng các thiết bị phòng thu cũng cổ lỗ sĩ không kém để phối chúng thành nhạc. Bài đầu tiên ta thấy Baby sáng tác là “Was He Slow”, lấy câu hỏi mà gã đồng phạm đặt ra về trí lực của cậu làm đoạn hook. Giống như Baby biến thế giới chung quanh thành âm nhạc, biên kịch kiêm đạo diễn Edgar Wright nhào nặn những bộ phim và giai điệu có ảnh hưởng tới ông thành một “Baby Driver” vô cùng vui nhộn và thú vị đến tuyệt vời. Khi những người máy CGI còn bận choảng nhau và các siêu anh hùng mải bay lượn trên trời thì Wright lại ở đây, hỏi xem ta có còn nhớ cách những bộ phim hớp hồn người xem chỉ bằng một lời thoại, một tiếng bánh xe rít chói tai trên mặt đường, một cốt truyện lắt léo, hay một nụ hôn lãng mạn. Có cảm giác “Quái xế Baby” vừa chịu ảnh hưởng của kỷ nguyên làm phim hiện đại - hướng đến sự tự nhận thức và thiên về văn hóa đại chúng, lại vừa cổ điển đến nao lòng. Nhưng đó chỉ là một trong nhiều phép màu nho nhỏ của nó thôi. “Quái xế Baby” là bộ phim thú vị nhất mà bạn có thể mong chờ khi ra rạp năm nay.


Phải, cậu chàng tên “B-A-B-Y, Baby” (do Ansel Elgort thủ vai). Ít nhất thì đấy là cái tên cậu tự xưng khi người ta hỏi đến, dù người ta thường chỉ hay lờ tịt cậu đi. Cậu khá kiệm lời, chuyên lái xe tẩu thoát cho băng cướp do Doc (Kevin Spacey đóng) cầm đầu. Doc chủ mưu vụ này, gã thuê ba tên tội phạm và nhét chúng vào xe của Baby. Như bạn thấy đấy, Baby lái xe không tồi, nhưng với điều kiện là phải có nhạc. Tai nạn xe hơi hồi bé để lại cho Baby chứng ù tai, nên phần lớn thời gian lúc thức cậu đều đeo tai nghe để át tiếng ong ong trong đầu. Và thế giới xung quanh xoay vần theo điệu nhạc phát trên một trong số những chiếc iPod của Baby - cậu có nhiều iPod phù hợp cho các tâm trạng khác nhau. Có khi thế giới như hòa điệu với chiếc iPod cậu chọn, có khi lựa chọn của cậu tác động lại thế giới xung quanh - dù thế nào đi nữa thì âm nhạc cũng đóng vai trò thiết yếu trong thành công của “Quái xế Baby”, giống như trong “La La Land” và có thể còn có phần quan trọng hơn.

                   
Cậu chàng tên “B-A-B-Y, Baby” (do Ansel Elgort thủ vai)

        Hãy lấy cảnh mở màn đầy hấp dẫn làm ví dụ nhé. Ba tên tội phạm - Buddy (Jon Hamm), Darling (Eiza Gonzalez) và Griff (Jon Bernthal) - nhảy khỏi chiếc xe đang đỗ ngoài một nhà băng ngay khi Baby bật bài “Bellbottoms” của ban nhạc The Jon Spencer Blues Explosion. Kể từ đó mọi thứ diễn ra đều khớp với điệu nhạc - từ tiếng cửa đóng sầm khi bọn cướp từ nhà băng trở ra, đến tiếng bánh xe rít róng ở một trong những màn đua xe mãn nhãn nhất nhiều năm trở lại đây. Ta đã xem vô vàn những pha hành động dựng trên nền nhạc pop hay rock, nhưng trong số ấy có bao nhiêu lần hành động và âm nhạc hòa làm một? Wright đã đưa ý tưởng tuyệt vời này lên một tầm cao mới - khi biến mọi hoạt động thường ngày trở thành một phần trong âm nhạc mà Baby nghe. Tiếng ai đó gõ tin nhắn trên điện thoại hay đặt các xấp tiền lên bàn đều ứng với các phách của bài hát, tạo nên một bộ phim giàu nhịp điệu, trơn tru và có cấu trúc hòa quyện với nhạc nền, từ khung hình đầu đến tận khung hình cuối. Thật uyển chuyển và đáng kinh ngạc, đến mức bạn muốn tua ngay lại đoạn vừa xem để nắm bắt cho bằng hết những gì bạn đã bỏ lỡ.

Đoạn trên hình như đã khiến “Quái xế Baby” có vẻ giống một phim ca nhạc, và có lẽ đã làm những khán giả trọng nội dung hơn phong cách phải mất hứng. Hãy tin tôi khi tôi nói rằng Wright không hề bỏ bê phần nội dung. Dẫu không có âm nhạc làm lực đẩy cho phim thì cốt truyện và cảnh hành động cũng đủ làm người xem hài lòng. Phần lớn cái thú của bộ phim này là được xem mạch truyện phát triển nên tôi sẽ nói ngắn gọn thôi. Có một dạo Baby sa vào đường tội lỗi, cậu lỡ dại chôm đồ của ông Doc, thế là hắn bắt cậu lái xe trừ nợ. Cậu đã hoàn thành gần xong thỏa thuận. Chỉ cần một chuyến nữa thôi là cậu được quay về sống cuộc đời bình thường. Tất nhiên chúng ta ai cũng biết chuyện này sẽ đi đến đâu trong các phim tội phạm. Và khi Baby gặp gỡ cô bồi bàn khả ái tên Debora (Lily James thủ vai), cậu đã tìm được một lý do để hoàn lương. Các bạn chỉ cần biết đến đó thôi.


Về cốt lõi, “Quái xế Baby” gợi nhớ về những thập kỷ khi mạch phim neo chặt vào những tên tội phạm và nghệ thuật rượt đuổi trên xe hơi. Cách Wright dàn dựng khung sườn và triển khai các chi tiết của phim xưa cũ đến ngạc nhiên, không chỉ vì hai diễn viên chính được phú cho vẻ ngoài như thể họ vừa bước ra từ một bộ phim tội phạm những năm 1940 đâu (vẻ đẹp chuẩn Mỹ của họ còn rạng rỡ hơn trong vài cảnh trắng đen gợi nhớ đến Hollywood thời cũ). “Quái xế Baby” sâu sắc nhưng không dìm mất tiểu tiết, và chính những nhịp phách nho nhỏ quyến rũ lẫn trong giai điệu nền đã gắn kết bộ phim thành một khối thống nhất.

Ít có ai biết cách tập hợp một dàn diễn viên như Edgar Wright, và điều đó cực kì hữu ích cho bộ phim. James và Elgort là hai diễn viên chính cuốn hút và ăn ý. Không như đa số các phim hành động Hollywood, ở “Quái xế Baby”, khán giả thật lòng mong muốn nhân vật chính sống sót chứ, chứ không đơn thuần cho rằng đó là chuyện “thế nào chẳng xảy ra”. Vai “phản diện” cũng được chăm chút trong khâu tuyển chọn và chỉ đạo, đặc biệt là Spacey và Jamie Foxx trong vai gã Bats đầy đe dọa. Kịch bản và cách phân vai khiến hai nhân vật này dễ sa đà vào phục vụ thị hiếu bình dân, nhưng hai diễn viên đã không làm vậy. Foxx đặc biệt tỏa sáng khi thể hiện một nhân vật vừa hài hước vừa đằng đằng sát khí. “Quái xế Baby” là một trong những bộ phim mà mọi vai diễn dường như đều đã được giao cho đúng người, từ gã đầu bếp vai u thịt bắp tới nhân viên bưu điện dễ thương. Điều này tạo nên cảm giác như có một phép màu điểm thêm vào bộ phim, khi mà bạn thấy mọi yếu tố, dù là nhỏ nhất, đều đúng với ý đồ của nhà sản xuất.

Mọi vai diễn dường như đều đã được giao cho đúng người, từ gã đầu bếp vai u thịt bắp tới nhân viên bưu điện dễ thương

Bạn có thể cảm nhận được nguồn năng lượng hiện hữu trong rạp khi một bộ phim đạt được hiệu ứng. Đó là anh chàng kế bên hơi giật mình khi chiếc xe cua gấp. Hay người phụ nữ đằng sau cười đặc biệt to khi nghe một câu pha trò. Đó là cảm giác mọi người hoàn toàn chú tâm, và gần như nhịp chân theo nhịp điệu của bộ phim. Tôi vẫn tin rằng đó là lý do tại sao người ta lại đi xem phim cùng với một đám đông những kẻ xa lạ - để cùng nhau cảm nhận phép màu và gật gù cùng với giai điệu điện ảnh. “Quái xế Baby” sẽ nằm trong số những bản nhạc ưa thích của bạn trong năm nay. Hãy cùng lắng nghe nó với đám đông. Và vặn to lên nhé.

Tác giả: Brian Tallerico
Người dịch: Bích Hà
Hiệu đính: Nguyên Thảo


Nguồn: http://www.rogerebert.com/reviews/baby-driver-2017