Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016

"Sông nuốt người" – Từ nghệ thuật sân khấu đến hiện thực cuộc đời

Có thể nói vở kịch Sông nuốt người do Câu lạc bộ xung kích CKT thể hiện vào ngày 03/12/2016 và 10/12/2016 tại Hội trường C trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP. HCM, Cơ sở Linh Trung, Thủ Đức vừa qua đã để lại nhiều dư ba trong lòng mỗi người xem thông qua nghệ thuật sân khấu rất độc đáo, mới lạ.
Những mảnh đời trên cù lao Đắng
Nghệ thuật sân khấu, hay nói khác hơn là toàn bộ thế giới tinh thần, vật chất của con người được nghệ sĩ sáng tạo trên sân khấu và đồng sáng tạo với khán giả, là cách để vở kịch truyền tải những thông điệp về cuộc đời, về cái hay cái dở, cái thiện, cái ác,...trong xã hội. 
Đây là vở kịch được chuyển thể dựa trên các truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư (bao gồm tiểu thuyết Sông, Mưa mây, Coi tay sáng mưa, Giữa mùa chán chết) nói về số phận những mảnh đời trên cù lao Đắng, và khi kết thúc, vở kịch lại để khán giả tự ngẫm câu trả lời cho riêng mình. Tính chất vở diễn nặng về tâm lý người xem vì liên tiếp từ phần đầu, phần giữa, đến những đoạn cao trào của nó đều bao trùm một không khí căng thẳng. Những xung đột và mâu thuẫn diễn ra liên tục làm khán giả bị cuốn vào những câu chuyện của từng nhân vật. Để rồi mỗi một mảnh đời đều có những nỗi niềm riêng khó giải bày, chỉ đặt mình vào đó mới cảm nhận được cái "đau", cái "nhục", cái "hy vọng" mà vở kịch truyền tải.

Tuy nhiên, để cảm được điều này rất khó vì kịch của Câu lạc bộ CKT thường chỉ tập trung vào một một câu chuyện và khai thác nhiều khía cạnh, khán giả - người cảm thụ - sẽ dễ theo dõi mạch truyện hơn. Vậy mà lần này có đến hàng tấn bi kịch trong từng câu chuyện, những bi kịch đó tuy không quá mãnh liệt nhưng nó thấm đẫm những suy tưởng về kiếp người. Phải chăng con người sống chỉ để nhận lấy đau khổ như một quả báo? Quả báo đó hiện hữu sống động trong vở kịch làm người xem nghẹt thở là những tình huống "cười ra nước mắt" khi người thương của mình từ đàn ông thành "đàn bà". Là người chồng chỉ mỗi lần về là"đè" vợ ra rồi lại “lang thang chăn bò”. Là thằng trai nghèo giết thằng bạn thân của nó. Là người đàn bà mải mê coi số mệnh nhân gian mà lạc mất con giữa sông, ... Nghệ thuật sân khấu mà tôi muốn nói ở đây đó là cách diễn viên truyền tải những điều đó thông qua cách dàn dựng sân khấu rất “Nam Bộ”. Chính từ những chiếc ghe, bàn thờ, bãi sậy, …mà người xem đã bị thuyết phục và tin rằng họ đang sống trên cù lao và cùng chứng kiến những trớ trêu ấy. Ngoài ra, nó còn giúp diễn viên dễ dàng tương tác trực tiếp với sự dõi theo của khán giả.

Nghệ thuật bài trí sân khấu làm người xem cảm nhận rõ nét chất Nam bộ

Hơn nữa, nghệ thuật sân khấu của vở diễn còn được thể hiện thông qua lời thoại và nét diễn xuất chân thật của diễn viên. Từ vai chính đến vai phụ, những nghệ sĩ đã thành công trong việc hóa thân, nắm bắt tâm lý nhân vật, truyền đạt thông điệp của vở đến công chúng. Ai cũng tròn vai và làm khán giả suy tư trong từng câu thoại. Trong đó, câu nói tôi ấn tượng nhất là khi Quế nói với “dì” Dũng: “Dì đừng đi, hãy để ngôi nhà này giữ lại một nửa đàn ông, dù chỉ là một nửa!”, một câu thoại ngắn nhưng đã bộc lộ rõ nỗi đau xót của thân phận đàn bà trên cù lao.
Dì Dũng (trái) và Quế
Từ nghệ thuật sân khấu, vở kịch đã tái hiện những lát cắt cuộc đời rất chân thật và mang một hơi thở trầm lắng nhiều suy tưởng. Tuy nhiên, vở diễn vẫn còn nhiều điểm gây nhàm chán vì cao trào chưa đẩy lên tột cùng, kết cấu kịch bản chưa có sự thống nhất. Những câu chuyện rời rạc chưa truyền đạt hết nội dung tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư, hoặc những đoạn diễn tâm lý thì người xem vẫn chưa hiểu hết nỗi lòng của nhân vật. Có lẽ đây là tác phẩm chuyển thể cho nên vẫn còn nhiều trúc trắc. Nhưng nhìn chung, vở kịch đã tạo nhiều dư âm cho khán giả và mang đến một kết thúc rất mở, đó là những thân phận đàn bà trên cù lao nuôi nấng một hy vọng rằng những người đàn ông sẽ lại trở về. Con sông nuốt lấy con người nhưng liệu nó có nuốt được khát khao của họ hay không? Đó vẫn là một câu chuyện khác...

Vậy nên, vở kịch Sông nuốt người là một vở có nhiều điền cần suy ngẫm về thông điệp mà nó truyền tải, thông qua nghệ thuật sân khấu. Đội kịch CKT đã tạo nên một tác phẩm thành công đối với những ai yêu văn chương của Tư và hơn hết là thể nghiệm một ý tưởng mới cho nghệ thuật sân khấu trong sinh viên nói riêng và Việt Nam nói chung.
NVL

0 nhận xét:

Đăng nhận xét